Bạch thư của Hòa thượng Thích Tâm Châu:
Đại nạn của Phật giáo và đất nước, 1996
(Trích từ trang 27-39)

Sang năm 1966, Đại Hội Giáo hội lại buộc tôi phải làm Viện trưởng thêm một nhiệm kỳ nữa. Giáo hội e ngại các tướng lãnh tranh giành ảnh hưởng nhau, không thể có cơ sở vững vàng để xây dựng đất nước được, Giáo hội yêu cầu (bầu cử) Hội đồng Lập Hiến. Sự yêu cầu này được phát động khắp các cấp Giáo hội. Nhưng chỉ trong vài tháng việc yêu cầu bầu cử Quốc Hội Lập Hiến đã được Chính quyền các Tướng lãnh chấp nhận vào ngày 14-4-1966.

Sau khi phong trào bầu cử Quốc Hội Lập Hiến đã được thoả mãn, nhân danh Viện trưởng, tôi đã gửi thư thông cáo tới các nơi biết: ngưng sự tranh đấu, và chỉ đặt các chương trình xây dựng đạo pháp mà thôi.

Ngày 2 tháng 5 năm 1966, tôi đáp máy bay sang Colombo, thủ đô nước Tích Lan, cùng đại biểu Tăng già các nước soạn thảo Hiến chương và thành lập Giáo hội Tăng già Thế giới bắt đầu từ ngày 6-5-1966 và tôi đảm trách chức vụ Phó chủ tịch. Từ Tích Lan trở về, tôi ghé thăm Malaysia và Singapore để cám ơn sự hỗ trợ tinh thần trong cuộc tranh đấu 1963 vừa qua.

Vào 11 giờ sáng ngày 29-5-1966 tôi về tới Saigon, được tin đang có biểu tình trong thành phố Sài Gòn và một số nơi khác tại miền Trung. Tôi không hiểu, khi tôi đi vắng, ở nhà có thượng tọa Trí Quang, thượng tọa Thiện Minh, do đâu lại phát động lại phong trào tranh đấu?

Tôi về tới Việt Nam Quốc Tự, bước chân vào cửa văn phòng Viện trưởng Viện Hóa Đạo của tôi thì có một biểu ngữ nền vàng chữ đỏ ghi: "Muốn quần chúng tuân theo kỷ luật thì phải theo quần chúng". Tôi vào tới bàn giấy của tôi thì có một đĩa máu, một con dao và một huyết thư: "Yêu cầu các thượng tọa trong Viện Hóa Đạo, không được theo thượng tọa Tâm Châu". Tôi định lên chánh điện Việt Nam Quốc Tự lễ Phật, tại đấy có mấy các vị Tăng thanh niên không cho tôi vào chánh điện Việt Nam Quốc Tự và hăm dọa, ai muốn vào chùa hãy bước qua xác chết của họ.

Tôi vô cùng chán nản, không biết cách nào vãn hồi trật tự được. Tôi trở về chùa Từ Quang. Về chùa Từ Quang cũng có một đĩa máu, một con dao và huyết thư cấm tôi không được hoạt động nữa. Và người trong chùa cho biết là họ hăm dọa là sẽ đốt xe, ám sát. Và chính các vị Tăng thanh niên đang tụ tập tại Niệm Phật Đường Quảng Đức (Bàn Cờ) định sang chùa Từ Quang giết tôi. May có sư cô Vân biết được, cấp báo cho tôi biết. Tôi trốn thoát.(4)

Từ đó, tôi phải đi nghỉ, nay tại nhà này, mai tại nhà khác, nay tại Viện Nhu Đạo Quang Trung, mai tại Nha Tuyên Úy Phật giáo.

Từ đó, Việt Nam Quốc Tự bị Tăng ni và quần chúng theo CS nắm giữ, thao túng, liên tục ngày này qua ngày khác, ra đường Trần Quốc Toản, ngã 6 Saigon- Chợ Lớn biểu tình, đả đảo và đốt hình nộm tổng thống Mỹ, tướng Thiệu, tướng Kỳ. Tôi không dám tới và làm việc tại Việt Nam Quốc Tự nữa.

Tại Huế, Đà Nẵng và vài nơi khác tại miền Trung cũng vậy, không sao vãn hồi được trật tự. Lại thêm sự xích mích giữa tướng Nguyễn Chánh Thi và các tướng tại Saigon. Nhóm Lập Trường ở Huế ra đời, đòi hỏi bầu Quốc Hội, đòi hỏi ngưng chiến tranh.

Kết cuộc, các tướng Sài Gòn mang quân ra vãn hồi trật tự miền Trung, thượng tọa Thích Trí Quang cùng nhóm tranh đấu tại Huế, kêu gọi Phật tử đem bàn thờ Phật ra đường, để ngăn cản bước tiến Quân đội chính phủ, cho các cán bộ CS nằm vùng, trà trộn tẩu thoát. Phong trào mang bàn thờ Phật ra đường lan tràn khắp nơi và vào cả Saigon. Tại Saigon, họ đem ảnh Phật để trên đống rác.

Nhìn cảnh tượng ấy, tôi cảm thấy đau lòng, liền ra một thông bạch yêu cầu Phật tử không nên đem Phật ra đường. Thượng tọa Thích Thiện Hoa, phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo, đột nhiên ra một thông báo tán thành việc đem Phật ra đường.(5)

Tại Đà Nẵng cũng như một số nơi khác, ngoài việc đem Phật ra đường, còn ghìm súng, nấp sau tượng Phật bắn ra, khi quân đội tiến vào kiểm soát chùa.

Đem Phật ra đường rồi, thượng tọa Trí Quang vào Tòa hành chánh tỉnh Thừa Thiên tuyệt thực. Sau chính phủ đưa thượng tọa Trí Quang vào Sài Gòn, ở nhà bác sĩ Nguyễn Duy Tài. Thượng tọa vẫn duy trì việc tuyệt thực (có uống nước thuốc dưỡng sức), cho đến khi chính phủ quân nhân y lời hứa hồi tháng 4-1966, bầu cử Quốc Hội Lập Hiến vào ngày 3-9-1966.

Sau khi thanh toán sự hỗn loạn tại Huế và một số tỉnh khác tại miền Trung, thì tại Đô thành Sài Gòn, chính phủ cũng thanh toán xong nhóm náo loạn tại Việt Nam Quốc Tự. Tòa Đô chánh Sài Gòn chính thức viết thư xin lỗi Giáo hội: "Vì nạn bất đắc dĩ phải thanh toán nhóm náo loạn tại Việt Nam Quốc Tự, chứ thực tâm chính phủ không dám xâm phạm vào tôn giáo".

Tôi trở về làm việc tại Việt Nam Quốc Tự, nhưng một số vị tranh đấu nhất định không về. Các vị cho rằng, chính phủ xúc phạm đến tôn giáo và cho tôi là thân chính quyền. Tại miền Trung, thượng tọa Trí Quang cho tuyên truyền rằng: "Mỹ mua đứt Tâm Châu với 3 triệu Mỹ kim và cho tôi là cậu của tướng Nguyễn Cao Kỳ, đem quân đội ra tàn sát Phật tử miền Trung v.v...".

Đó là chổ nẩy sinh ra sự mâu thuẫn giữa tôi và các vị tranh đấu. Từ chỗ mâu thuẫn ấy, tại Sài Gòn, thượng tọa Trí Quang và nhóm tranh đấu vu khống cho tôi là người Mỹ cho tôi 1 triệu Mỹ kim và trả lương cho tôi mỗi tháng là 20 ngàn Mỹ kim. Thực ra, tôi chưa được một dollar của Mỹ, chứ nói chi đến vạn, đến triệu.(6)

Tôi vẫn nhẫn nại làm việc, tuân theo lời dạy của Hòa thượng Tăng thống Thích Tịnh Khiết triệu tập Đại hội Giáo hội tại Việt Nam Quốc Tự từ chiều 21-10-1966.

Buổi chiều ngày 22-10-1966, Đại hội mới duyệt xét chương trình nghị sự xong.

Bất ngờ, 3 giờ sáng ngày 23-10-1966, tại chùa Ấn Quang một số các thưọng tọa đã lén lút thành lập Hội đồng Viện Hóa Đạo Phật giáo Việt Nam Thống Nhất và đề cử Thượng tọa Thích Thiện Hoa làm Viện trưởng, coi như lật đổ tôi. Từ đó có ra Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Thống nhất tại Ấn Quang.

Vậy đâu là chổ chia đôi và lũng đoạn Giáo hội Thống nhất?

Sau đó, Viện Hóa Đạo Ấn Quang chuyển hướng theo đường hướng "hoà bình khuynh tả", Viện Hóa Đạo Ấn Quang cử các vị ra nuớc ngoài liên lạc với các nhóm phản chiến, yêu cầu Mỹ rút quân, phản đối chính sách chống Cộng của VNCH, đòi hòa bình.Viện Hóa Đạo Ấn Quang cử thượng tọa Nhất Hạnh làm Trưởng Phái đoàn Hòa bình bên cạnh Hòa Đàm Paris.

Ấn Quang là một Phật học Đường danh tiếng, cung ứng cho nhu cầu phát triển Phật giáo miền Nam rất nhiều. Nhưng từ nửa năm 1966 trở đi, Ấn Quang đã bị cưỡng ép làm nơi tranh đấu của các vị ưa tranh đấu. Sang năm 1967, tôi triệu tập 8 Giáo phái, Hội đoàn tại Việt Nam Quốc Tự, tuyên bố rút lui chức Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Đại hội đề cử thượng tọa Thích Thiện Tường (người Nam) lên thay thế tôi làm viện trưởng. Và, Đại Hội này nhận thấy Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã bị chủ trương "nhất thống", tiêu diệt các Giáo phái, Hội đoàn, nên Đại hội đã tu chính bản Hiến chương ấy, cho phù hợp với các Giáo phái, Hội đoàn. Bả n Hiến chương tu chính này được thông báo cho chính phủ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu biết. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký sắc luật 23/67 ngày 18/7/1967, công nhận Hiến chương ấy.

Sau khi rút lui khỏi Viện Hóa Đạo, tôi trở ra chùa Từ Quang Vũng Tàu của tôi, vui cùng cảnh vật thiên nhiên, cho vơi bớt những sự ưu tư, vất vả.

Tại Sài Gòn, Giáo hội Thống Nhất Ấn Quang lại phát động phong trào tranh đấu, đòi hỏi không được tu chính Hiến chương. (Thực vô lý, Ấn Quang chỉ có 3 Giáo phái, Hội đoàn mặc dù Tăng ni Phật tử đông. Việt Nam Quốc Tự có 8 Giáo phái, Hội đoàn - dù rằng người ít - vẫn có quyền tu chính Hiến chương, chứ không phải hủy bỏ Hiến chương).

Đùng một cái, một hôm vào khoảng 7 giờ tối, một số Tăng tại chùa Ấn Quang, được sự hỗ trợ của các dân biểu thân Ấn Quang có súng, như Kiều Mộng Thu,v.v... đột nhập vào Việt Nam Quốc Tự bắt thượng tọa Viện trưởng Viện Hóa Đạo Thích Thiện Tường, cùng với rất đông chư Tăng, đem về nhốt tại chùa Ấn Quang. Ngày hôm sau, Nha Tuyên Úy Phật giáo can thiệp, mời các vị Ấn Quang ra khỏi Việt Nam Quốc Tự. Sau đó, Giáo hội (PG) Thống nhất tại Việt Nam Quốc Tự lại phải đề cử Thượng tọa Thích Minh Thành (người Nam) lên làm Viện trưởng.

Vẫn chưa yên. Lại một hôm khác, vào chập tối, phe Ấn Quang lại đem người, đem khí giới, tái chiếm Việt Nam Quốc Tự một lần nữa. Lần này họ bắt hết Tăng chúng, lấy hết đồ đạc, nhiều máy may của Việt Nam Quốc Tự và đốt cháy một dãy nhà phía tay trái Quốc Tự. Nha Tuyên Úy Phật giáo lại phải can thiệp để vãn hồi trật tự.

Sau biến cố này, Giáo hội Thống Nhất tại Việt Nam Quốc Tự phải đề cử thượng tọa Thích Tâm Giác, Giám đốc Nha Tuyên Úy Phật giáo, kiêm nhiệm Viện trưởng Viện Hóa Đạo mới yên.

Hai lần Ấn Quang đánh phá Việt Nam Quốc Tự như trên, hỏi ai làm nhơ nhớp cho lịch sử Phật giáo Việt Nam?

Sự việc rõ ràng như thanh thiên bạch nhật, mà nhóm tranh đấu của Ấn Quang, được sự hỗ trợ ngầm của Cộng sả n nằm vùng, lải nhải vu khống cho Việt Nam Quốc Tự chia rẽ Giáo hội, Thích Tâm Châu phá hoại và lũng đọan Giáo hội Phật giáo Thống Nhất.Thực như câu phương ngôn của Việt Nam thường nói :"Vừa đánh trống vừa ăn cướp, vừa ăn cướp vừa la làng". Cậy đông, lấy thịt đè người, mặc sức vu khống, thao túng không coi nhân quả là chi cả !

Cho đến nỗi những vị Tăng không biết chút gì về việc tranh đấu, việc xây dựng Giáo hội, cũng như các vị tăng ni, Phật tử từ ở xa, hay sau này, cũng a dua, hùa theo sự tuyên truyền nhồi sọ của nhóm tranh đấu Ấn Quang và CS nằm vùng trong suốt 30 năm nay. Thực tội nghiệp !

Nói thẳng thắn, cuộc chiến tranh Quốc Cộng tại Việt Nam, không có một tôn giáo, một đoàn thể nào, không bị CS nằm vùng gây chia rẽ, phá hoại. Thiên Chúa giáo có những cán bộ gộc nằm vùng như Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng,v.v... Phật giáo cũng vậy, CS nằm vùng từ thượng tầng, tới hạ tầng, càng dễ dàng hơn.

Thực sự, cuộc tranh đấu từ tháng 6-1966, cho đến nay chia đôi Giáo hội, đều do bàn tay CS đạo diễn, làm hại cho Phật giáo và quốc gia Việt Nam không nhỏ. Vì vậy, Phật giáo không phải là không có trách nhiệm, liên đới đến sự để mất VNCH cho CS. Vấn đề này, chính hoà thượng Thích Huyền Quang cũng thường nhắc đi nhắc lại: CS từng tuyên bố: "Phật giáo Ấn Quang hai lần có công với Cách Mạng".

Vấn đề Hòa hợp Hòa giải và các tạp sự sau đó

Đầu thập kỷ 1970, hòa đàm Paris đang tiến đến hồi mặc cả có lợi cho CS, thì tại Việt Nam phe tranh đấu Ấn Quang, do thượng tọa Trí Quang lãnh đạo, đã cho thành lập phong trào Hòa hợp Hòa giải dân tộc, do ông Vũ Văn Mẫu được coi như là thủ lãnh. Phong trào này không được sự tán thành của hai thượng tọa Thiện Minh và Huyền Quang. Vì hai thượng tọa này không tán thành phong trào Hòa hợp Hòa giải Dân tộc, nên thượng tọa Trí Quang và phe nhóm của thượng tọa đã tung ra một chiến dịch bôi bẩn thượng tọa Thiện Minh và thượng tọa Huyền Quang một cách tàn nhẫn. Cũng vì chiến dịch này, trong suốt một năm, Giáo hội Thống nhất Ấn Quang không thể triệu tập được Đại hội để bầu cử chức vụ Viện trưởng Viện Hóa Đạo vì thượng tọa Thiện Hoa đã viên tịch, khiến cho thượng tọa Thích Trí Thủ là một vị Tổng vụ Trưởng phải đứng lên xử lý thường vụ.

Tình hình biến chuyển hoàn toàn bất lợi cho VNCH. Ngày 30-4-1975 là ngày cáo chung của chế độ VNCH. Nhưng bộ mặt thân CS đã lộ rõ nguyên hình, không ai mà không rõ.

- Khi quân CS từ rừng về Sài Gòn, đã có gần 500 Tăng, Ni của phe tranh đấu Ấn Quang ra đón chào.

- Ngày 19-5-1975, phe tranh đấu Ấn Quang đã tổ chức sinh nhật HCM tại chùa Ấn Quang.

- Hiệp thương Chính trị thống nhất hai miền Nam-Bắc của CS, một thượng tọa của phe Ấn Quang đã làm một bài tham luận nịnh CS, kể công của Ấn Quang và đả kích Nha Tuyên Úy Phật giáo cùng Giáo hội Thích Tâm Châu.

-Vào khoảng năm 1980, 1981 chính thượng tọa Thích Trí Thủ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Ấn Quang cùng các vị cao cấp nhất phe tranh đấu Ấn Quang đã tích cực vận động thành lập và tham gia vào Giáo hội Phật giáo VN tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), mà người ta thường gọi là "Giáo hội quốc doanh" hay "Giáo hội Nhà nước". Chỉ có các thượng tọa: Thiện Minh, Huyền Quang, Đức Nhuận, Quảng Độ và một số nhỏ các vị khác không tán thành, nên bị bắt hay bị giết.

Vào khoảng năm 1986, 1987 ông Gorbachev, tổng bí thư đảng CS Liên xô chủ trương cởi mở, thì tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Linh, tổng bí thư đảng CSVN cũng theo chủ trương ấy. Sau đó, chủ nghĩa CS bị tan rã tại Nga, tại Đông Âu, thì tại Việt Nam, hình thức chuyển hướng là sự cần thiết để sống còn của họ. Họ đã cho các chùa được sinh hoạt tín ngưỡng một phần nào, trả một số cơ sở cho các chùa, cho một số thanh niên tăng, ni được học hỏi Phật pháp. Và có thể bước đầu thí nghiệm của họ, họ cho một số người nào đó, đòi hỏi quyền tự do dân chủ, để tiện dịp nhận diện những người quyết tâm tranh đấu, để có thể triệt hạ sau này.

Hòa thượng Thích Đôn Hậu đã khơi mở ra phong trào Phật giáo Thống nhất tại hải ngoại và hòa thượng Thích Huyền Quang tiếp nối sự nghiệp ấy.

Tại Hoa Kỳ cũng tổ chức rầm rộ. Kết cuộc có ra hai, ba Giáo hội Thống nhất. Tại Âu châu, có nhiều giáo phái hoạt động riêng biệt.

Nhưng có một số chùa, có các vị tăng trung niên và thanh niên, kết hợp thành Giáo hội Thống nhất Âu châu. Tại Úc, dân số Việt Nam tỵ nạn vào khoảng 150 ngàn người, Giáo hội Thống nhất Úc và Tân Tây Lan đã thành hình, với số tăng, ni ít ỏi, số chùa độ trên mười ngôi và trong những ngày đại lễ, số Phật tử tới các chùa, tính chung lại vào khoảng 7, 8 ngàn người. Nội bộ giáo hội thì không ổn định và có vẻ phức tạp.

Hòa thượng Thích Huyền Quang tại Việt Nam đang là người trổi lên, đòi lại danh xưng và sự phục hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Hòa thượng là người đầy đảm lược, đầy kinh nghiệm với chủ nghĩa CS. Tôi rất kính mến hòa thượng. Tôi đã viết thư khích lệ hòa thượng. Tôi luôn luôn cầu nguyện cho việc làm của hòa thượng được thành công viên mãn.

Cuộc tranh đấu hiện nay tại Việt Nam do hòa thượng Huyền Quang lãnh đạo thực sự vô cùng khó khăn. Khó khăn bởi bao mưu cơ, xảo thuật của Thích Trí Quang cũ, nằm trong Giáo hội Nhà nước, ngăn trở. Khó khăn bởi hiện CS bao vây. Khó khăn ngay trong nội bộ Giáo hội Thống nhất Ấn Quang "Tập quyền kỳ thị" thiếu thiện cả m với các Giáo phái Phật giáo khác. Và có thể có khó khăn với các tôn giáo khác, qua những nhận xét sâu xa.(7)

Tuy nhiên, CS là kẻ thù chung của nhân loại. Nhân loại xóa bỏ những mặc cảm riêng tư và tích cực phục vụ chung cho chính nghĩa. Chính nghĩa quyết thắng. Chủ nghĩa CS không sao tránh khỏi luật đào thải, và chắc chắn phải nhường chổ cho thể chế tự do, dân chủ của toàn dân Việt Nam.

Kết luận

Giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thấm nhuần vào lòng dân Việt Nam đã gần hai ngàn năm. Phật giáo đã hòa đồng cùng vận mệnh thịnh suy của dân tộc. Phật giáo đã sản sinh những nhân vật đức tài hòa trong sự nghiệp cứu nước và dựng nước. Nhưng đôi khi, Phật giáo cũng bị những nhân vật cậy tài, ỷ thế, kỳ thị, thiếu sáng suốt, thiếu hỷ xả, gây tan nát cho đạo giáo và quốc gia không ít.

Phật giáo tôn trọng tự do nhân chủ tuyệt đối, không chủ trương "tập quyền" cho một cá nhân hay một nhóm người. Vì hễ có tập quyền là có độc tài, có bè phái, có những thủ đoạn để củng cố quyền lực.

Gần một thế kỷ nay, nhân loại bị đau khổ đến cùng cực bởi nạn "tập quyền" của CS. Ba muơi năm nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có chủ trương "tập quyền", chưa thấy đem lại tia hy vọng hòa hợp và an lạc cho đại chúng. Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ triền miên trong sự chia rẽ, đã có hai, ba tổ chức thống nhất. Phật giáo Việt Nam tại Úc , "tập quyền" thống nhất trong tay một nhân vật tham độc, thiếu tài đức, gây bè phái, kỳ thị Trung, Bắc, hãm hại huynh đệ đồng đạo, mặc cho gần trăm ngàn Phật tử Việt Nam bị tổn thương nặng nề!

Ôi, Phật giáo VN !

Ôi, Phật giáo VN !

Ai gây chi lắm niềm đau khổ,

Vũ trụ nài van đến nghẹn lời !

(Lửa thiêng đạo mầu)

Kính bạch quý Ngài,

Kính thưa quý vị,

Bạch thư này viết ra trong hoàn cảnh bất đắc dĩ. Bạch thư này được viết ra bằng những giòng lệ nóng thương đời, thương đạo. Bạch thư này ra đời, có người ưa, có người không ưa, vì sự thật mất lòng. Nhưng, giả dối phải nhường chỗ cho sự thật, để cho Quốc Gia, cho Đạo Pháp được trường tồn, cho nhân dân Việt Nam được thức tỉnh, và cho nhân loại được hưởng niềm an lạc của chính pháp.

Cầu nguyện Tam Bảo từ bi gia hộ, chuyển hóa đất nước Việt Nam, đạo giáo Việt Nam, nhân dân Việt Nam sớm thoát khỏi ách CS, thành một nước tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc và thịnh vượng. Chuyển hóa tâm niệm của các cấp Phật Giáo trong và ngoài nước, biết rõ mình, như lời Phật dạy, tiến tu và đạt tới đích giác ngộ, giải thoát. Cầu mong Quý Ngài và Quý vị luôn luôn được niềm an vui như ý, trong ánh đạo từ bi và trí tuệ.

Thành thực cảm ơn quý ngài và qúy vị.

Trân Trọng,

Ký tên

Hòa Thượng Thích Tâm Châu

Ghi-chú:

(4) Việc định ám sát tôi, sau này có Thầy Thiện-Lực đến sám-hối với tôi và có một vài Thầy khác hiện nay cũng có mặt ở ngoại quốc.

(5) Cảnh tượng đem Phật xuống đường, không những tôi, nhiều người đau lòng, thế giới Phật-Giáo đau lòng, mà cả Đại-Đức Thích-Quảng-Thành, cũng trong Iá thư viết cho Thượng-Tọa Trí-Quang, ngày 31-12-1973, Đại-Đức nói : "Năm 1966, con (Thích-Quảng-Thành) nghĩ Thượng-Tọa (Thích-Trí-Quang) đã làm một việc sai lầm, khi phát-động phong-trào đem Phật xuống đường, dùng một biểu-tượng linh-thiêng, để giải-quyết những tranh-chấp trần-thế." Gần cuối lá thư, Đại-Đức Thích-Quảng-Thành với tính-tình trung-trực đã viết: "Đến nỗi hiện giờ anh em chúng con so sánh Thượng Tọa Thích-Trí-Quang với nhân vật "NHẠC-BẤT-QUẦN" , trong tiểu thuyết nổi danh của Kim-Dung. Nhạc-Bất-Quần là chưởng môn của một võ-phái nổi tiếng và được giới giang-hồ xưng tụng là "quân-tử-kiếm", vì lối đánh và đường kiếm của ông rất quân-tử. Tuy nhiên mọi người đều lầm. Sau một thời gian mấy mươi năm, ông đã lộ chân tướng của ông là một "ngụy-quân-tử", với những mưu mô và thủ-đoạn cực ác và cực nham-hiểm."

(6) Việc vu khống cho tôi ăn đô-la của Mỹ, chư Tăng, Ni, Phật-Tử miền Trung cho tôi biết và vừa đây có một Phật-Tử Huế, đang tại Úc cũng xác-nhận với tôi là có sự tuyên truyền ấy. Tại Sàigon, chính Đại-Đức Hộ-Giác (bây giờ đã là Hòa-Thượng) đã cho tôi biết là Thượng-Tọa Trí-Quang nói trước Hội-Đồng Viện-Hóa-Đạo. Thượng-Tọa nói là Thượng-Tọa được nghe vậy!

(7) Trong đơn xin cứu xét của Hòa-Thượng Huyền-Quang gởi lên Tổng-Bí-Thư Đảng Cộng-Sản và Nhà Nước Việt-Nam, ngày 24-6-1992, Hòa-Thượng có viết: " - Thời Pháp đến Việt-Nam lần thứ hai đã lập ra Giáp-Hội Thiền-Lữ. – Ngô-Đình-Diệm đã lập ra Giáo-Hội Cổ-Sơn-Môn. Thời Diệm không Diệm đã lập ra Giáo-Hội tại Việt-Nam Quốc-Tự (Hòa-Thượng ám-chỉ thời-kỳ Tổng-Thống Nguyễn-Văn-Thiệu đã ra sắc-luật công nhận bản tu-chính Hiến-Chương năm 1967 của Việt-Nam Quốc-Tự. Nhưng đó là sự sai-lầm, chuyển bạn thành thù). Hoà-Thượng còn so sánh với Thiên-Chúa-Giáo: "Nhà nước đã không làm việc cải-tạo với Thiên-Chúa-Giáo, mà còn lập lại ngoại-giao với Thiên-Chúa-Giáo..."


INDEX