Làn Sóng Dân Chủ Hay Hỗn Loạn?

Nguyễn Xuân Nghĩa

Dù khéo xoay trở để có lập trường thân Nga, thân Tầu và thân Mỹ, chế độ Ayayev tại Kirgystan vẫn sụp đổ. Vì không thân dân.
So sánh làn sóng dân chủ với một vệt thuốc súng thì không phải. Nhưng đấu tranh bất bạo động có thể tràn lan thành động loạn không? Người ta nêu ra câu hỏi khi chứng kiến hàng loạt biến động từ Cận Đông vào Đông Âu, từ Trung Đông vào Trung Á. Có cái gì đó rất lạ đang xảy ra mà thời sự tường thuật không kịp. Nói chi đến bình luận hay nhận định?

Vụ Kyrgystan là một thí dụ.

Với dân số hơn 10 triệu, quốc gia này là một trong năm nước Cộng hòa có tên là "stan" (đất) tại Trung Á, nằm giữa hai đại cường là Liên bang Nga và Trung Quốc. Rặng núi mà Trung Quốc gọi là Thiên Sơn bao trùm lên 95% diện tích của Kyrgystan, là nơi sinh sống của dân du mục thuộc tộc Thổ (Turc) từ cả ngàn năm. Sau Cách mạng cộng sản tại Nga, Kyrgystan trở thành một phần của Cộng hòa Liên bang Xô viết từ 1924; hai năm sau được là một nước Cộng hòa tự trị và bắt đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa bằng công nghiệp hóa và từ bỏ dần nếp sống du mục. Khi Liên xô sắp tan rã, Kyrgystan lập tức tuyên bố độc lập vào tháng Tám năm 1991, năm sau, gia nhập Liên hiệp quốc và IMF và bắt đầu thời kỳ cải cách kinh tế để ra khỏi chế độ cộng sản trong khi vẫn ở trong tổ chức gọi là Khối Thịnh vượng của các Nước độc lập (CIS), do Liên bang Nga lãnh đạo.

Là một nhà vật lý, Tổng thống Askar Akayev được nhiều người kính trọng vì chống phe cộng sản và đòi độc lập ngay khi Liên xô tan rã; thực tế thì ông ta có cố gắng cải tổ theo kinh tế thị trường và thiết lập chế độ đa đảng. Nhưng, về sau nhân vật này có xu hướng chuyên chế và các cuộc bầu cử năm 1995 rồi 2000 bị mang tiếng là có gian lận. Từ 2002, Akayev hiện nguyên hình là một người độc tài, cài đặt tay chân và thân tộc vào guồng máy cai trị. Nhìn theo một góc cạnh nào đó, Akayev có nhiều đặc điểm của Boris Yeltsin: từ anh hùng chống cộng có chủ trương cấp tiến đã biến thành một lãnh tụ chuyên chế, có thói quen gia đình trị.

Nhìn ra ngoài, từ 1996, Liên bang Nga cùng Trung Quốc và ba nước giáp giới là Kyrgystan, Kazahkstan và Tajikistan đã ký kết thỏa ước bất tương xâm và muốn lập ra thế liên kết tay năm để ổn định toàn khu vực, chống lại các phản ứng ly khai và trộm cướp. Nhóm "Thượng Hải 5" thành hình do thỏa thuận giữa Nga và Trung Quốc, thời Boris Yeltsin và Giang Trạch Dân. Sự liên kết ấy của Trung Quốc và Liên bang Nga có mục tiêu không che giấu là xây dựng lực lượng đối trong với sức mạnh độc bá của Hoa Kỳ.

Nhưng, vụ khủng bố 9-11 lại đảo lộn mọi sự, khiến Hoa Kỳ bước vào Trung Á với chiến dịch tấn công chế độ Taliban tại Afghanistan. Kyrgystan đồng ý cho Mỹ lập căn cứ tại đây và trở thành một quốc gia nằm trong vùng trái độn giữa ba thế lực là Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Kyrgystan là một xứ hy hữu có cả căn cứ quân sự của Nga lẫn Mỹ. Tổng thống Akayev có quan hệ tốt với cả Tổng thống Vladimir Putin lẫn Hoa Kỳ, nhưng chính quyền Bush bị phê phán là vì nhu cầu chống khủng bố mà nhắm mắt trước nạn độc tài của các nước hợp tác với Mỹ. Thí dụ như Uzbekistan, Pakistan hay Kyrgystan.

Thực ra, từ nhiều năm nay, Đại sứ Mỹ tại Kyrgystan đã nhiều lần công khai than phiền nạn độc tài của chính quyền Bishkek. Vấn đề là làm sao cải thiện chính trị mà không gây bất ổn cho một khu vực có đầy yếu tố phân hóa, động loạn, lại giáp giới với hai cường quốc lục địa là Nga và Trung Quốc? Nơi đây có Turkmenistan là một xứ độc tài khép kín ngang hàng Bắc Hàn, có Kazahkstan và một chế độ độc tài thối nát, có Tajikistan luôn luôn gặp nguy cơ nội chiến. Vụ biểu tình tháng Ba khiến Tổng thống Akayev phải chạy ra khỏi thủ đô và cho đến giờ này thì ở đâu chưa rõ. Báo chí nói là ông đang tỵ nạn trong một căn cứ quân sự của Nga, một Dân biểu Nga thì nói ông đang ở trong một căn cứ của Mỹ, trong khi gia đình đã lưu vong qua Kazahkstan…

Nhìn từ Moscow thì sau "Cách mạng hồng" tại Georgia (quê hương của Stalin) rồi "Cách mạng cam" tại Ukraine (quê hương của Krutchev), cuộc "Cách mạng tulip" (hoa uất kim hương) tại Kyrgystan là lần thứ ba mà một xứ Cộng hòa trong Liên bang Xô viết cũ đang tiến ra dân chủ. Trên cột báo này, chúng ta đã đọc thấy, nhân biến động tại Ukraine "Âu châu đổi sắc, Nga thất sắc", bây giờ, mọi người đều thấy Liên bang Nga bị bào mỏng, mất dần ảnh hưởng trong vùng quỹ đạo cũ. Và nổi lên từ biên giới miền Tây của Nga, làn sóng dân chủ đang đập vào biên giới Viễn Tây của Trung Quốc, trong vùng Tân Cương theo Hồi giáo, một cái nôi khác của khủng bố.

Kết luận ở đây là một chế độ dù khéo xoay trở để có lập trường thân Nga, thân Tầu và thân Mỹ mà vẫn có thể bị sụp đổ. Vì không thân dân.
Điều này tất nhiên cũng làm lãnh đạo một nước xa xôi khác phải thất sắc: Việt Nam.

Việt Nam có thể khép mình nằm dưới trật tự Trung Quốc và bị cường quốc này lặng lẽ bào mỏng quyền lợi của mình qua một số thỏa ước ngầm. Có khi còn lãnh một bài học khác trong vòng năm ba năm tới, nếu có vẻ bực bội hoặc có phản ứng độc lập hơn. Việt Nam có thể chủ động tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ, mượn manh giáp của Mỹ để che thân và bảo vệ chế độ. Thậm chí nhân danh nỗ lực chống khủng bố, tiến tới hợp tác quân sự với Mỹ để phòng ngừa cơn thịnh nộ của Thiên triều và trung hòa phản ứng đòi hỏi dân chủ từ hải ngoại.

Nhưng, dù có sốt sắng đến như Kyrgystan, giới lãnh đạo Hà Nội vẫn không thoát được một sự phán xét khác: lòng dân.

Có phải là ta đang trở lại đề tài "lòng dân là ý trời" và thuật biểu tình không? Câu hỏi ấy dẫn tới một đòi hỏi khác: làm sao biểu tình mà không dẫn tới động loạn? Muốn như vậy, phong trào dân chủ phải nghĩ đến sách lược bất bạo động và kế hoạch vận dụng khả năng tổ chức và kỷ luật hầu tạo ra những chuyển hóa an toàn cho xứ sở. Nhà cầm quyền cũng phải nhìn thấy quyền lợi tối thượng của đất nước để chiều theo lòng dân mà tự cải hóa. Nếu không, thời sự sẽ dồn dập phá vỡ mọi toan tính trì hoãn của những người trong cuộc.

Tổng kết lại, khi lòng dân đã nổi lên, thì đâu là những việc có thể làm suy yếu chế độ và dẫn tới hai kịch bản đối nghịch trong cùng một tiến trình dân chủ hóa, là "cải hóa" hay "tan rã"?

Người dân có thể bất hợp tác với chế độ trong các lãnh vực xã hội, kinh tế rồi chính trị. Bất hợp tác có thể là lặng lẽ tẩy chay một số sinh hoạt xã hội hay hoạt động kinh tế, danh sách những phương thức đối kháng thụ động ấy có thể kể ra khá dài, trong đó có nhiều việc rất khả thể. Bất hợp tác cao độ hơn là việc nhắm vào các sinh hoạt chính trị, từ kêu gọi cải cách cơ chế tới hiến pháp, từ việc lãng công trong guồng máy lập pháp vào tới chính phủ đến việc từ chối đi bầu khi bầu cử chỉ là màn trình diễn dân chủ giả hiệu. Tích cực hơn thế, có việc vạch mặt chỉ tên những trường hợp và cá nhân tham ô hoặc bảo nhau khiếu kiện thật đông để làm tê liệt bộ máy hành chánh công quyền đến việc thiết lập ra các tổ chức cứu tế xã hội để giải quyết những vấn đề dân sinh mà chính quyền không muốn làm.

Tuy nhiên, vận động lòng dân luôn luôn phải dẫn đến việc xây dựng một cơ chế dân chủ hơn, cho nên ngay khi phát động phong trào đối kháng bất bạo động, người ta đã phải soạn thảo hiến pháp mới, trong đó phải xác định mục tiêu và trách nhiệm của chính phủ, thể thức tổ chức bầu cử tự do và công khai, phải phân biệt phạm vi hoạt động của hành pháp, lập pháp và tư pháp, cùng với vị trí của đảng cầm quyền.

Hiến pháp mới cũng phải giới hạn quyền lực của quân đội, công an, tình báo để ngăn ngừa việc chính quyền lũng đoạn các bộ phận này và dùng chúng làm công cụ đàn áp. Khi quyền dân được hiến pháp minh định rõ ràng và rộng rãi thì chế độ mới sẽ ít có nhu cầu tập trung quyền kiểm soát vào tay công an, một cơ hội nảy sinh độc tài trên nền móng non yếu của một chính quyền tân lập. Hỗn loạn hay không sau thời kỳ giải phóng là điều đã có thể thấy trước trong hiến pháp. Những cuộc thảo luận về tu chỉnh hay soạn thảo hiến pháp tại Ukraine và Iraq có thể là kinh nghiệm đáng theo dõi của việc đổi loạn thành trị.

Lời kết ở đây là ngược với các luận cứ phổ thông, việc giải phóng khỏi ách độc tài là điều có thể làm được, nhưng cần có chiến lược và tổ chức.

Không quốc gia hay thế lực ngoại bang nào có thể giúp người dân bị đàn áp bỗng nhiên có tự do: chính người dân phải chủ động thực hiện lấy việc ấy. Càng sáng suốt trong vận động và đấu tranh thì càng dễ ngăn ngừa được sự can thiệp của ngoại quốc.






INDEX