Nhược Điểm Của Độc Tài

Nguyễn Xuân Nghĩa

Trước khi các chế độ độc tài bị lật đổ, người ta chỉ nói đến sức đàn áp của bạo quyền. Thực ra, ách hung tàn nào cũng có nhược điểm mà người ta cần nhìn cho ra.

Mở đầu loạt bài về kỹ thuật biểu tình, ta tìm hiểu về huyền thoại ổn định và nhược điểm chung trong xã hội dưới chế độ độc tài.
Các chế độ này thường có vẻ vững chãi, được truyên truyền ra bên ngoài thành ưu điểm "ổn định", dựa trên bộ máy tình báo, công an, quân đội, nhà tù, trại tập trung hay cả tòa án. Tài nguyên của xứ sở do thiểu số thống trị trưng thu, vơ vét và phân phối cho nhau để nuôi dưỡng bộ máy đàn áp ấy.

Người dân trong nước chỉ có một sự chọn lựa: hoặc là bọc theo chế độ, hành xử như con tin dễ bảo để kiếm ăn trong vùng tiếp giáp giữa bộ máy thống trị với xã hội dân sinh ở vòng ngoài; hoặc là tỏ ý chống đối và bị trù giập, đàn áp, làm gia đình đói khổ, bản thân bị tù đầy.

Người ta tìm thấy chung quanh mình có những nhược điểm sau đây:
Nhược điểm tinh thần mà nhiều người gọi là sự khôn ngoan - là ít ai dám bước qua lằn ranh đề kháng. Kế đến là nhược điểm lý luận - mà nhiều người cho là khôn ngoan hơn nữa - là đem so sánh ách độc tài với xu hướng dân chủ, và cho rằng dân chủ yếu thế, thiếu thống nhất và không tin rằng xu hướng dân chủ có khả năng thay thế. Vì hai nhược điểm ấy, việc chống đối mới gặp khó khăn và chế độ càng tin rằng giải pháp độc tài là hữu hiệu, nên khỏi cần thay đổi.

Sự thật có khi lại khác, nếu ta chịu khó thì có thể tìm ra nhược điểm có khi là cái nhược điểm sinh tử của chế độ. Mọi cuộc vận động đối kháng để dẫn tới phong trào biểu tình đều phải khởi sự từ việc xác định tử điểm của ách độc tài. Lòng dân mong muốn tự do và đó là chính nghĩa của đấu tranh. Nhưng, tìm ra nhược điểm của chế độ là một việc khác. Nó thuộc về kỹ thuật, là bước đầu của việc huy động lòng người thành phong trào đối kháng.

Sau đây là một số nhược điểm chung của các chế độ độc tài, trong đó có nhiều nhược điểm đã thấy tại Việt Nam hoặc do người bên bên trong nói ra:

1. Vai trò khống chế của ý thức hệ (xây dựng xã hội chủ nghĩa chẳng hạn), trong đó có một số biểu tượng đã hết tác dụng và phơi bày tính khôi hài không tưởng của lãnh đạo. Hết viện dẫn Mác, Lê, Hà Nội lui về hình tượng và "tư tưởng Hồ Chí Minh" nhưng không còn khả năng mê hoặc quần chúng.

2. Do bản chất độc tài, chế độ vẫn để ý thức hệ mê hoặc chính mình nên đã lấy những quyết định u tối, hoặc không kịp nhìn ra vấn đề mới. Tình hình bên ngoài càng xoay chuyển, thì bên trong chế độ càng lúng túng và phạm sai lầm lớn hơn.

3. Vì bản chất chủ quan duy ý chí, chế độ độc tài luôn phải xoay chuyển chánh sách cho phù hợp với tình thế mới. Điều đó dẫn tới hai nhược điểm: 1) khả năng ứng phó chậm, 2) nhiều mâu thuẫn mà bộ máy tuyên truyền không ém nhẹm được. Chế độ càng cố gắng tạo "ổn định", thì loại mâu thuẫn ấy càng phát tác.

4. Hệ thống toàn trị đang chuyển hướng theo lối "phi cầm phi thú": tự do kinh tế bên dưới ách độc tài chính trị của một thiểu số ở trên, các chế độ độc tài đều cần đến sự hợp tác của nhiều thành phần xã hội, tổ chức, đoàn thể hay cơ chế. Chế độ càng mua chuộc hay răn đe, họ càng bất mãn. Họ có thể vô tình hay cố ý làm suy yếu bộ máy thống trị mà chế độ không biết, hoặc không kịp biết.

5. Chế độ chuyển hướng theo lối "phi cầm phi thú" đều bị quy luật "lấy thúng úp voi", thúng là hệ thống kiểm soát và voi là đời sống và thị trường. Chế độ gặp mâu thuẫn trong cách kiểm soát, thí dụ dễ thấy là kiểm soát thông tin và mạng lưới internet. Hệ thống này thường xuyên bị "tràn ngập" vì phản ứng kinh doanh, kiếm tiền của những người thiết lập ra website. Làm sao phân biệt loại Website nào vô hại và Website nào có hại. Khi hai loại này kết hợp lại thì bộ máy kiểm soát của đảng phải bó tay.

6. Loại chế độ độc tài "phi cầm phi thú" phải mở ra cho các sinh hoạt dân sự, có khi để ru ngủ quần chúng, như thể thao, tân nhạc, trình diễn thời trang. Thành phần tham gia các sinh hoạt này đa số là giới trẻ tạo thành đám đông, có thể xoay chuyển thành đối kháng có ý thức và tổ chức.

7. Các ưu tiên bị lệch lạc. Thiên tai thường tạo ra mục tiêu bất ngờ làm chế độ lúng túng và gây thêm bất mãn. Đã có chế độ độc tài sụp đổ sau một thiên tai lớn.

8. Ách độc tài ở trên, thuộc cấp ở dưới thường che giấu sự thật bằng báo cáo sai, thiếu chính xác hay chậm trễ khiến cho chế độ lấy quyết định lệch lạc, kém chuẩn xác. Khi hữu sự, chế độ phản ứng bằng kỷ luật gay gắt có khi oan uổng và gây bất mãn ngay trong nội bộ.

9. Bộ máy công quyền là công cụ cho chế độ nên hoạt động kém hiệu năng, là ổ tham nhũng và bè phái. Bộ máy này thường xuyên mâu thuẫn với nhau không phải về chánh sách mà về quyền lợi. Từ đó, lãnh đạo hay các phe nhóm trong lãnh đạo phải lập riêng bộ máy phục vụ song hành để kiểm soát và khống chế lẫn nhau. Mâu thuẫn nội bộ vì vậy thường xảy ra và trầm trọng hơn là mọi dự đoán ở bên ngoài. Vụ Tổng cục 2 tại Hà Nội là một thí dụ.

10. Trong khi quần chúng an phận bên dưới thì thấy chán chường và trở thành ù lì thì tầng lớp sinh viên, chuyên viên, trí thức, văn nghệ sĩ lại thấy bất ổn, hoang mang và bất mãn vì hai hiện tượng: 1) sự mù lòa của lãnh đạo trước những vấn đề mới và 2) phản ứng đàn áp hay kiểm soát của lãnh đạo khi bị các vấn đề mới này đe dọa. Vì lý do ấy mà thành phần chuyên viên trí thức, sinh viên và học sinh hay đi bước đầu trong phong trào phản đối.

11. Vì chánh sách phát triển lệch lạc và thực chất là bất công, dị biệt về giàu nghèo, về quyền lợi, văn hóa, hay chủng tộc thường bị đào sâu và gây mầm mống bất ổn mà chế độ không biết, hoặc không được báo cáo trung thực. Khi biết thì đã quá trễ vì khủng hoảng đã bất ngờ bùng nổ.

12. Vì lề lối cai trị độc đoán và bí mật, việc thăng thưởng hay kỷ luật thường không được công khai hóa và xảy ra với nhịp độ cao, làm xáo trộn cuộc sống người dân. Mà đa số những thay đổi thường xảy ra sau những vụ tai tiếng không che giấu nổi. Chế độ chứng tỏ sự bất lực của mình qua hệ thống đề bạt hay kỷ luật mờ ám đó.

13. Bên dưới hệ thống cai trị tưởng như tinh vi và thuần nhất, nhiều phe nhóm lợi dụng đặc quyền để truy tìm đặc lợi, nhất là trong bộ máy công an và quân đội. Rốt cuộc thì đi ngược với mục tiêu nguyên thủy của lãnh đạo, thậm chí còn tiến hành đảo chánh - hoặc kín đáo bên trong, hoặc công khai ở bên ngoài. Các vụ đảo chính này thường tiên báo sự sụp đổ. Các lãnh tụ mới lên thường mất thời gian củng cố quyền lực và vây cánh, trong những lúc đó, chẳng còn ai lo việc nước, hoặc dám có những quyết định cấp bách do tình thế đòi hỏi.

14. Khi quyền lực bị tập trung, chế độ hay lấy quyết định sai. Để ứng phó, chế độ phải tản quyền, phân quyền; đấy là lúc mà đấu tranh quyền lực gia tăng và khả năng kiểm soát của lãnh đạo bị thu hẹp. Mà nhiều khi lãnh đạo lại không kịp biết!

15. Để bảo vệ quyền lực, chế độ độc tài có thể thần phục một ngoại bang, hy sinh quyền lợi đất nước và thành công cụ cho ngoại bang. Cái "chính nghĩa" hay ý thức hệ biện minh cho quyền lãnh đạo bị sụp đổ và chế độ dễ dẫn quốc gia vào giao tranh oan uổng, bị lật đổ ngay trong chiến tranh. Những gì đang xảy ra tại Lebanon vì vai trò của Syria hay sự mờ ám trong quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh có thể phơi bày tử điểm ấy.

Nếu có kiểm điểm lại tình hình hình thực tế của các chế độ độc tài, ta phải thấy rằng sự ổn định chỉ là một huyền thoại và bạo quyền có thể bị lật đổ dễ hơn là người ta nghĩ, hoặc chính cấp lãnh đạo độc tài có thể nghĩ. Hãy nhớ đến Ceaucescu, Honnecker hay Milosevic tại Đông Âu thì rõ….

Tuy nhiên, nhìn ra và khai thác nhược điểm sinh tử của chế độ là một chuyện. Huy động và tổ chức sự chống đối thành một phong trào lan rộng lại là một chuyện khác và nhiều khi người ta thất bại, các lãnh tụ bị hy sinh. Chúng ta sẽ tìm hiểu kinh nghiệm thành bại này trong một kỳ sau.






INDEX