Tổ Chức Là Sức Mạnh

Nguyễn Xuân Nghĩa

Lòng dân chỉ như nước lũ khi chảy thuận dòng. Và tràn vào nơi hiểm yếu nhất. Tổ chức biểu tình là điều kiện cần thiết.

Một tháng trước, ít ai nghe nói đến xứ Kyrgystan tại Trung Á.

Xứ này nổi tiếng văn học sử với rặng núi Thiên Sơn trong Chinh Phụ Ngâm hay tài xạ thủ của Tiết Đinh San trong Thuyết Đường. Người ta lờ mờ biết là xứ Cộng hòa Trung Á này nằm tại Tân Cương, giáp giới với Trung Quốc, và đang chuyển mình ra khỏi tàn dư cộng sản thời Liên Xô.

Mọi chuyện bỗng thành thời sự khi dân chúng biểu tình, khởi đầu từ hai tỉnh hẻo lánh miền Tây Nam gần Uzbekistan là Jalal Abad và Osh. Hai tỉnh này rơi vào tay đám biểu tình. Ngày 24 tháng Ba, biểu tình lên tới thủ đô Bishkek tại miền cực Bắc, Tổng thống Askar Akayev bỏ chạy. Trốn trong một căn cứ của Nga hay đã lưu vong ra ngoài, ta chưa biết. Chỉ biết là đoàn biểu tình vỏn vẹn mấy ngàn người đeo băng hồng và vàng trên cánh tay đã tràn qua vòng đai cảnh sát và mời một số giới chức chính quyền, kể cả Bộ trưởng Quốc phòng, ra khỏi dinh Tổng thống, trong khi lính bảo vệ đưa một số quan chức khác qua cửa ngách chạy ra ngoài. Trước sau, binh lính phòng vệ không bắn vào đám biểu tình, và cảnh sát đứng nhìn ở ngoài, không can thiệp.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Kyrgystan sẽ có bầu cử tổng thống hẳn hoi. Mọi toan tính gian lận coi như vô vọng.

Ta đang thấy tái diễn những gì vừa xảy ra tại Ukraine, lần này không ở phía Tây của Liên bang Nga - mà ở phía Tây của Trung Quốc.

Trước khi nói đến trào lưu dân chủ, như một con nước lũ đang quét sạch các chế độ độc tài, có lẽ phải nói đến… kỹ thuật tổ chức biểu tình, là nội dung của loạt bài đặc biệt trên cột báo này trong suốt một tuần, từ ngày Thứ Hai 21 Tháng Ba.

Sau khi phân tách kinh nghiệm thành bại của nhiều cuộc biểu tình, ta đã tìm hiểu các khía cạnh chiến lược, kế hoạch và chương trình cùng các chiến dịch, bây giờ, ta nói về cách tổ chức. Những thí dụ nêu ra ở đây chỉ có giá trị gợi ý vì hoàn cảnh mỗi nơi mỗi thời lại một khác.

Trước hết, hãy cùng kiểm lại một số đặc điểm chúng từ phong trào biểu tình này.

Đầu tiên tính chất bất bạo động - xung đột lẻ tẻ có xảy ra tại Kyrgystan nhưng chủ trương căn bản của đám biểu tình vẫn là tránh bạo động. Đặc điểm thứ hai là đám biểu tình đã trung hòa được phản ứng can thiệp hay đàn áp của quân đội, công an và cảnh sát. Tức là thuyết phục được các thành phần bảo vệ chế độ nên đứng ra ngoài, một khía cạnh của chiến lược tranh thủ nền tảng quyền lực của chế độ. Lấy chính nghĩa thắng hung tàn là một ước nguyện, nó chỉ là sự thật khi phong trào có khả năng thông tin và thuyết phục, nhất là không coi quân đội hay công an là kẻ thù.

Đặc điểm thứ ba là đoàn biểu tình luôn luôn có hình ảnh vui tươi, với phụ nữ xuất hiện ở vòng ngoài, chứ không có vẻ đe dọa của một đám đông cuồng tín chỉ muốn đập phá cho hả giận. Sự sợ hãi của người làm ta sợ hãi, và có khi bóp cò súng. Đám đông không gây sợ hãi vì chính họ cũng không sợ hãi.

Sau cùng, đám đông có khả năng kỷ luật rất cao, để không gây ra điều đáng tiếc và khi xuất hiện thì có phối hợp đông đảo. Vẫn biết rằng thế giới có thiện cảm với lý tưởng dân chủ của đám biểu tình và thiện cảm ấy là áp lực giải giới các chế độ độc tài, nhưng thuật biểu tình cũng là một yếu tố thành công đáng kể.

Bây giờ, ta nói đến thuật ấy.

Biểu tình là gì?

Không nhất thiết là những cuộc tuần hành của đám đông ngoài đường phố. Biểu tình là khi một đám đông công khai biểu tỏ thái độ để đạt một mục tiêu nào đó mà dư luận biết và hiểu được. Năm xưa, chín nhà sư đã tự thiêu tại một xã ấp hẻo lánh của Việt Nam, hành động can trường cao quý ấy vẫn không là một cuộc "biểu tình", vì dư luận không biết, nên không gây được tác động dây chuyền.

Hiểu như vậy, biểu tình có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức:

1. Diễn hành ngoài đường phố;

2. Hội họp trong hội trường, sân vận động, bãi đậu xe;

3. Đám ma, đám rước, đoàn xe, nghi lễ tôn giáo… di chuyển ngoài đường;

4. Đông người đồng loạt bước khỏi nhà trường, nhà máy hay công sở;

5. Đông người tuyệt thực giữa nơi công cộng;

6. Nhiều người cùng ngồi im giữa đường, giữa chợ;

7. Đang di chuyển ngoài đường, bỗng nhiên ngưng mọi sinh hoạt vào cùng lúc;

8. Lập tòa án công cộng xét xử một chính phạm của chế độ;

9. Lập tòa án châm biếm công lý và tòa án của chế độ;

10. Mọi người cùng làm một hành động: rút tiền ký thác khỏi ngân hàng;

11. Mọi người cùng tẩy chay một món hàng, bất hợp tác với một chiến dịch, v.v…

Suy như vậy, biểu tình có thể được tổ chức dưới nhiều hình thức. Quy luật ở đây là phải sáng tạo tìm ra phương thức hữu hiệu mà chế độ khó lường và khó chống.

Minh danh tuyên bố mục tiêu

Muốn việc biểu tỏ lập trường kết quả phong trào biểu tình phải minh nhiên công bố mục tiêu. Việc tổ chức biểu tình vì vậy phải khởi sự bằng soạn thảo hay thu thập các văn kiện sẽ phổ biến hay vận động. Các văn kiện này cần minh bạch trình bày mục tiêu lẫn nơi liên lạc. Truyền đơn nặc danh không đạt mục tiêu công khai minh bạch và còn tạo cơ hội cho đối phương tung đòn khiêu khích. Trong môi trường có sự hiện diện của nước ngoài, các văn kiện trên phải có bản bằng ngoại ngữ.

Các văn kiện ấy có thể là:

1. Tuyên ngôn kết án chế độ, lời lẽ ôn hòa lịch sự nhưng cương quyết;

2. Các bài diễn văn;

3. Thư ngỏ phản đối một quyết định này hay ủng hộ một việc khác;

4. Kiến nghị do nhiều người cùng ký;

5. Tuyên bố của các tổ chức hay nhân vật ủng hộ biểu tình, phản đối chế độ.

Biểu tình và biểu tượng

Các cuộc biểu tình vừa qua đều khéo chọn biểu tượng, như màu cam tại Ukraine, màu hồng và vàng tại Kyrgystan, ngón tay có mực tím của cử tri đi bầu tại Iraq, v.v… Vấn đề vốn là sáng tạo, nên biểu tượng ấy cũng có thể là một cử chỉ, thủ hiệu, hình ảnh, đoạn nhạc. Quy tắc ở đây là phải có ý nghĩa đoàn kết mà dễ nhớ, dễ làm, dễ theo. Khi tổ chức biểu tình, các phong trào phải chọn, chuẩn bị, thậm chí sản xuất sẵn những vật liệu trưng bày hay quảng bá biểu tượng:

1. Cờ hay màu sắc biểu tượng;

2. Khăn, băng đeo tay, huy hiệu có in biểu tượng;

3. Son, phấn màu, mực;

4. Băng dán trên cảng xe, cột đèn;

5. Chân dung, hình ảnh về nạn nhân;

6. Loại hình ảnh châm biếm chế độ, làm cho dân hết sợ bạo quyền;

7. Loại dấu hiệu dễ thực hiện cho thấy sự hiện hữu của phong trào ở mọi nơi;

8. Băng nhạc, băng hình, băng ghi âm.

Biểu tình và vận động

Biểu tình chỉ đạt kết quả nếu mục tiêu được loan báo rộng rãi cho những người bên ngoài đám biểu tình, để họ tham dự, loan truyền hoặc loan tin trung thực như ý định của phong trào. Vì vậy, thuật biểu tình đòi hỏi nghệ thuật thông tin và tuyên truyền. Tuyên truyền tự thân không có nghĩa xấu, tất cả tùy thuộc vào mục tiêu và sự trung thực của người trình bày. Cuộc biểu tình nào vì vậy cũng cần những tài liệu vận động có thể tiếp nhận được từ xa:

1. Bích chương, truyền đơn, khẩu hiệu;

2. Tài liệu sách báo, hình ảnh;

3. Thông tin trên trời (khói máy bay), vẽ dưới đất;

4. Tài liệu (báo chí, hình ảnh) giới thiệu tổ chức hay phong trào;

5. Tài liệu kêu gọi sự yểm trợ của người ngoài;

6. Tài liệu giới thiệu và liên lạc với truyền thông, báo chí.

Trong mọi cuộc biểu tình, ngoài nhân sự phụ trách về kỷ luật và yểm trợ những người già yếu, ngã bệnh để bảo đảm trật tự và an toàn, người ta đều chú trọng đến mục tiêu vận động nên phải có đông đảo tài liệu và nhân sự phục vụ truyền thông và báo chí. Thành quả biểu tình lớn hay nhỏ là do sức truyền đạt sau đó của truyền thông. Tổ chức nào có quy củ thì phải giúp cho truyền thông làm tròn nhiệm vụ tường thuật - theo nhận thức khách quan của họ. Tuyên truyền dở là khi mình độc quyền thông tin hoặc chỉ muốn giành lẽ phải về mình, bất kể tới nhận thức hay ấn tượng của người khác. Một thí dụ thường được nói đến là cách ước lượng con số những người tham dự.

Các chế độ độc tài đều giữ độc quyền thông tin mà vẫn chẳng thuyết phục được ai nên mới dùng tới bộ máy đàn áp. Phong trào dân chủ không nên dẫm vào vết xe đổ ấy. Chế độ biết là dân không tin nên cần dân biết sợ. Phong trào dân chủ không dọa cho ai sợ mà cần được nhiều người tin. Biểu tình vì vậy là một cuộc vận động nhằm tranh thủ hậu thuẫn của dư luận và truyền thông có thể đóng góp cho việc ấy nếu được phục vụ hẳn hoi, và không bị dẫn dắt, lường gạt.

Trong một kỳ sau, ta sẽ tìm hiểu về những phương thức vận động khác.

Nguyễn Xuân Nghĩa

Trước khi các chế độ độc tài bị lật đổ, người ta chỉ nói đến sức đàn áp của bạo quyền. Thực ra, ách hung tàn nào cũng có nhược điểm mà người ta cần nhìn cho ra.

Mở đầu loạt bài về kỹ thuật biểu tình ("Biểu tình: Lòng dân là ý trời" - ngày 21 tháng Ba), ta tìm hiểu về huyền thoại ổn định và nhược điểm chung của các chế độ độc tài.

Các chế độ này thường có vẻ vững chãi, được truyên truyền ra bên ngoài thành ưu điểm "ổn định", dựa trên bộ máy tình báo, công an, quân đội, nhà tù, trại tập trung hay cả… tòa án. Tài nguyên của xứ sở do thiểu số thống trị trưng thu, vơ vét và phân phối cho nhau để nuôi dưỡng bộ máy đàn áp ấy.

Người dân trong nước chỉ có một sự chọn lựa: hoặc là bọc theo chế độ, hành xử như con tin dễ bảo, để kiếm ăn trong vùng tiếp giáp giữa bộ máy thống trị với xã hội dân sinh ở vòng ngoài; hoặc là tỏ ý chống đối và bị trù giập, đàn áp, làm gia đình đói khổ, bản thân bị tù đầy.

Nhược điểm tinh thần - nhiều người gọi là sự khôn ngoan - là ít ai dám bước qua lằn ranh đề kháng. Nhược điểm lý luận - mà nhiều người còn cho là khôn ngoan hơn nữa - là nếu so sánh ách độc tài với xu hướng dân chủ, thì họ thấy dân chủ yếu thế, thiếu thống nhất và là một giải pháp thay thế đầy mơ hồ rủi ro. Vì hai nhược điểm ấy, việc chống đối mới gặp khó khăn và chế độ càng tin rằng giải pháp độc tài là hữu hiệu, nên khỏi cần thay đổi.

Sự thật có khi lại khác, nếu ta chịu khó tìm ra nhược điểm, thậm chí tử điểm - cái nhược điểm sinh tử của chế độ. Mọi cuộc vận động đối kháng để dẫn tới phong trào biểu tình đều phải khởi sự từ việc xác định tử điểm của ách độc tài. Lòng dân mong muốn tự do - chính nghĩa của đấu tranh - là một việc; tìm ra nhược điểm của độc tài là một việc khác. Nó thuộc về kỹ thuật, là bước đầu của việc huy động lòng người thành phong trào đối kháng.

Sau đây là một số nhược điểm chung của các chế độ độc tài, trong đó có nhiều nhược điểm đã thấy tại Việt Nam hoặc được chính những người trong chế độ nói ra:

1. Vì vai trò khống chế của ý thức hệ (xây dựng xã hội chủ nghĩa chẳng hạn), một số biểu tượng thực ra đã lỗi thời, hết tác dụng và phơi bày tính khôi hài không tưởng của lãnh đạo. Hết viện dẫn Mác, Lê, Hà Nội lui về hình tượng và "tư tưởng Hồ Chí Minh" mà mất dần khả năng mê hoặc quần chúng.

2. Nhưng, vì bản chất độc tài, chế độ vẫn để ý thức hệ mê hoặc chính mình và thu hẹp tầm quyết định, lấy những quyết định u tối, hoặc không kịp nhìn ra vấn đề mới. Tình hình bên ngoài càng xoay chuyển, chế độ càng lúng túng và phạm sai lầm lớn hơn.

3. Vì bản chất chủ quan duy ý chí, chế độ độc tài luôn phải xoay chuyển chánh sách cho phù hợp với tình thế mới. Điều đó dẫn tới hai nhược điểm: 1) khả năng ứng phó chậm và giới hạn, 2) với nhiều mâu thuẫn mà bộ máy tuyên truyền không ém nhẹm được. Chế độ càng "ổn định", loại mâu thuẫn ấy càng phát tác, nhất là khi khung cảnh sinh hoạt có thay đổi - thí dụ như gia nhập WTO - cho tới khi chế độ thành bất lực và sụp đổ trên sức nặng của chính nó. Nhược điểm ấy giải thích vì sao các chế độ độc tài có thể sụp đổ bất ngờ, và nhanh hơn dự đoán của người ngoại cuộc.

4. Dù là hệ thống toàn trị hay một chế độ đang chuyển hướng theo lối "phi cầm phi thú" (tự do kinh tế bên dưới ách độc tài chính trị của một thiểu số ở trên), các chế độ độc tài đều cần đến sự hợp tác của nhiều thành phần xã hội, tổ chức, đoàn thể hay cơ chế. Thí dụ: bộ máy ngụy danh tư pháp cần đến sự phục tòng hay hợp tác của thẩm phán, luật sư; bộ máy tuyên truyền cần đến sự đớn hèn của báo chí. Trong các thành phần nghề nghiệp này, không thiếu gì người nhìn ra điều ấy và không vui, có khi còn thấy nhục. Chế độ càng mua chuộc hay răn đe, họ càng bất mãn. Họ có thể vô tình hay cố ý làm suy yếu bộ máy thống trị mà chế độ không biết, hoặc không kịp biết.

5. Loại chế độ chuyển hướng theo lối "phi cầm phi thú" đều bị quy luật "lấy thúng úp voi", thúng là hệ thống kiểm soát và voi là đời sống và thị trường. Chế độ gặp mâu thuẫn trong cách kiểm soát, thí dụ dễ thấy là kiểm soát thông tin và mạng lưới internet. Hệ thống này không chặt, thường xuyên bị "tràn ngập" chẳng phải vì các hoạt động đấu tranh dân chủ mà vì phản ứng kinh doanh, kiếm tiền của những người thiết lập ra website. Làm sao phân biệt loại "phi pháp mà vô hại" (văn nghệ, thể thao, giải trí, bài bạc) và loại "[i]phi pháp có hại" (diễn đàn dân chủ)? Khi hai loại này lại kết hợp, bộ máy kiểm soát phải bó tay.

6. Loại chế độ độc tài "phi cầm phi thú" phải mở ra cho các sinh hoạt dân sự, có khi để ru ngủ quần chúng, như thể thao, tân nhạc, trình diễn thời trang. Nhưng, thành phần tham gia các sinh hoạt này đa số là giới trẻ, có những khát khao mà lãnh đạo không thể hiểu được và nơi quy tụ của đám đông trong những sinh hoạt ấy có thể là cơ hội chống đối, xoay chuyển thành đối kháng có ý thức và tổ chức.

7. Vì những ưu tiên lệch lạc - thí dụ như bảo vệ hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước - mà tài nguyên quốc dân dùng vào mục tiêu này sẽ không thể dùng cho mục tiêu khác và chế độ luôn luôn bị thiếu thốn khi có mục tiêu bất ngờ. Thiên tai thường tạo ra mục tiêu bất ngờ làm chế độ lúng túng và gây thêm bất mãn. Không phải ngẫu nhiên mà các chế độ độc tài thường sụp đổ sau một thiên tai lớn.

8. Vì ách độc tài ở trên, thuộc cấp ở dưới thường che giấu sự thật bằng báo cáo sai, thiếu chính xác hay chậm lụt. Chế độ độc tài có hệ thống lấy quyết định lệch lạc, phiến diện và kém chuẩn xác nhất. Khi hữu sự, chế độ phản ứng bằng kỷ luật gay gắt có khi oan uổng và gây bất mãn ngay trong nội bộ mà bên ngoài ít biết nên ít biết khai thác.

9. Bộ máy công quyền là công cụ cho chế độ nên hoạt động kém hiệu năng, là ổ tham nhũng và bè phái. Bộ máy này thường xuyên mâu thuẫn với nhau - về chánh sách thì ít mà về quyền lợi thì nhiều - và không phục vụ lãnh đạo được như ý. Từ đó, lãnh đạo hay các phe nhóm trong lãnh đạo phải lập riêng bộ máy phục vụ song hành để kiểm soát và khống chế lẫn nhau. Mâu thuẫn nội bộ vì vậy thường xảy ra và trầm trọng hơn là mọi dự đoán ở bên ngoài. Vụ Tổng cục 2 tại Hà Nội là một thí dụ.

10. Trong khi quần chúng an phận bên dưới thì thấy chán chường và trở thành ù lì thì tầng lớp sinh viên, chuyên viên, trí thức, văn nghệ sĩ lại thấy bất ổn, hoang mang và bất mãn vì hai hiện tượng: 1) sự mù lòa của lãnh đạo trước những vấn đề mới và 2) phản ứng đàn áp hay kiểm soát của lãnh đạo khi bị các vấn đề mới này đe dọa. Vì lý do ấy mà thành phần chuyên viên trí thức, sinh viên và học sinh hay đi bước đầu trong phong trào phản đối.

11. Vì chánh sách phát triển lệch lạc và thực chất là bất công, dị biệt về giàu nghèo, về quyền lợi, văn hóa, hay chủng tộc thường bị đào sâu và gây mầm mống bất ổn mà chế độ không biết, hoặc không được báo cáo trung thực. Khi biết thì đã quá trễ vì khủng hoảng đã bất ngờ bùng nổ.

12. Vì lề lối cai trị độc đoán và bí mật, việc thăng thưởng hay kỷ luật thường không được công khai hóa và xảy ra với nhịp độ cao, làm xáo trộn cuộc sống người dân. Mà đa số những thay đổi thường xảy ra sau những vụ tai tiếng không che giấu nổi. Chế độ chứng tỏ sự bất lực của mình qua hệ thống đề bạt hay kỷ luật mờ ám đó.

13. Bên dưới hệ thống cai trị tưởng như tinh vi và thuần nhất, nhiều phe nhóm lợi dụng đặc quyền để truy tìm đặc lợi, nhất là trong bộ máy công an và quân đội. Rốt cuộc thì đi ngược với mục tiêu nguyên thủy của lãnh đạo, thậm chí còn tiến hành đảo chánh - hoặc kín đáo bên trong, hoặc công khai ở bên ngoài. Các vụ đảo chính này thường tiên báo sự sụp đổ. Các lãnh tụ mới lên thường mất thời gian củng cố quyền lực và vây cánh, trong những lúc đó, chẳng còn ai lo việc nước, hoặc dám có những quyết định cấp bách do tình thế đòi hỏi.

14. Khi quyền lực bị tập trung, chế độ hay lấy quyết định sai. Để ứng phó, chế độ phải tản quyền, phân quyền; đấy là lúc mà đấu tranh quyền lực gia tăng và khả năng kiểm soát của lãnh đạo bị thu hẹp. Mà nhiều khi lãnh đạo lại không kịp biết!

15. Để bảo vệ quyền lực, chế độ độc tài có thể thần phục một ngoại bang, hy sinh quyền lợi đất nước và thành công cụ cho ngoại bang. Cái "chính nghĩa" hay ý thức hệ biện minh cho quyền lãnh đạo bị sụp đổ và chế độ dễ dẫn quốc gia vào giao tranh oan uổng, bị lật đổ ngay trong chiến tranh. Những gì đang xảy ra tại Lebanon vì vai trò của Syria hay sự mờ ám trong quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh có thể phơi bày tử điểm ấy.

Nếu có kiểm điểm lại tình hình hình thực tế của các chế độ độc tài, ta phải thấy rằng sự ổn định chỉ là một huyền thoại và bạo quyền có thể bị lật đổ dễ hơn là người ta nghĩ, hoặc chính cấp lãnh đạo độc tài có thể nghĩ. Hãy nhớ đến Ceaucescu, Honnecker hay Milosevic tại Đông Âu thì rõ….

Tuy nhiên, nhìn ra và khai thác nhược điểm sinh tử của chế độ là một chuyện. Huy động và tổ chức sự chống đối thành một phong trào lan rộng lại là một chuyện khác và nhiều khi người ta thất bại, các lãnh tụ bị hy sinh. Chúng ta sẽ tìm hiểu kinh nghiệm thành bại này trong một kỳ sau.






INDEX