Mấy Ai Hiểu Được Cuộc Đột Kích Của FBI?

Sơn Hà (18.Aug.2022)

Người Việt ở Hoa Kỳ lâu năm cũng chưa chắc hiểu hết được các cuộc choảng nhau trong lãnh vực chính trị của các phe phái tại Hoa Kỳ. Càng gần đến ngày bầu cử, các đòn dơ bẩn được tung ra. Những người cả tin thì cứ việc đi theo định kiến hoặc sở thích của mình. Chẳng hạn, đang ghét ông Trump mà nghe tin nhà ông Trump bị FBI tấn công thì vỗ tay reo mừng như một đứa trẻ vừa thắng một cuộc đánh đáo. Báo chí ở Mỹ cũng thế. Có rất ít phóng viên chịu khó phân tích và đi tìm nguồn cơn trước khi đặt tay viết những bài bình luận, giữa những dữ kiện bị bóp méo lung tung. Loại người ấy không nên đọc bài này. Xin cứ tiếp tục ghét ông Trump!

FBI là Ai?

Bắt đầu cuộc tìm kiếm, chúng ta cũng nên biết nhiệm vụ của FBI và FBI là ai? FBI (Federal Bureau of Investigation – Văn Phòng Điều Tra Liên Bang) là một cơ quan an ninh quốc gia có trách nhiệm về tình báo và thực thi pháp luật. Đây là cơ quan điều tra chính của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ và là thành viên của Cộng Đồng Tình Báo Hoa Kỳ (U.S. Intelligence Community). Sứ mệnh của FBI là “Bảo vệ người dân Hoa Kỳ và tôn trọng Hiến Pháp Hoa Kỳ”.

FBI có thẩm quyền và trách nhiệm điều tra các tội phạm được giao phó, và cung cấp cho các cơ quan khác, kết quả của việc làm chuyên môn, chẳng hạn như nhận dạng dấu tay, kiểm tra trong phòng thí nghiệm. FBI cũng thu thập, chia sẻ và phân tích thông tin tình báo, để hỗ trợ các cuộc điều tra của FBI và của các đối tác để chống lại các mối đe dọa an ninh mà Hoa Kỳ đang phải đối phó.

Dữ kiện về FBI được viết ở đây, trích từ website chính thức của FBI. 

Cuộc Đột Kích Của FBI

Cuộc đột kích vào nhà riêng của Tổng thống Trump ở Mar-a-Lago, tiểu bang Florida, với đông đảo các đặc vụ FBI tấn công thô bạo vào nơi cất giữ tài liệu quan trọng của riêng cá nhân ông cũng như tài liệu có liên quan đến những năm làm việc trong Toà Bạch Ốc. Họ đã chờ cho ông Trump đi vắng mới mở cuộc đột kích. Sau khi đột kích và mang đi hơn 10 thùng hồ sơ được niêm phong cẩn thận rồi tung ra cho báo chí tin tức để khai thác. Các hệ thống báo chí của phe thiên tả thường bị ông Trump gọi là bọn “báo chí thổ tả”, vớ được cái thông cáo báo chí, thì cùng nhau mà thổi. Bọn báo chí Việt Nam thì chẳng biết ất-giáp, thấy người ta thổi thì cũng đưa ống đu đủ vào để thổi. Cứ làm như ông Trump sắp sửa phải vào tù vì tội làm gián điệp cho ngoại bang. Gần như hầu hết các TV và báo chí đã sẵn ghét ông Trump, tha hồ mà bôi bác và thêu dệt nhiều câu chuyện. Có tờ báo tiếng Việt ở bắc California viết: “Trùm sò sắp vào tù”.

FBI Đột Kích Mặt Trận Hoàng Cơ Minh

Trước khi đề cập thêm các chi tiết chung quanh cuộc đột kích Mar-a-Lago, người viết thiết nghĩ chúng ta nên hồi tưởng cuộc đột kích của FBI vào Mặt Trận Hoàng Cơ Minh vào đầu năm 1991. Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam do Tướng Hoàng Cơ Minh lãnh đạo, được viết tắt là Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, hay Mặt Trận; báo chí Mỹ gọi là The Front.

Vào khoảng thập niên 1980, sau khi có các nhà báo người Việt bị liên tục ám sát mà FBI chưa thể tìm ra thủ phạm. Dương Trọng Lâm (1981), Đạm Phong (1982), Phạm Văn Tập (1987), Đỗ Trọng Nhân (1989), Đoàn Văn Toại (1989, bị thương, sống sót), Lê Triết và vợ (1990). Báo chí Mỹ cũng như Việt ngữ đưa ra nghi vấn về bộ phận phụ trách ám sát mệnh danh là K-9 của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh là thủ phạm.

Mỗi khi thanh toán xong mục tiêu, một bản xác nhận được gởi đến cho thông tấn AP, ký tên là Vietnamese Organization to Exterminate Communists and Restore the Nation (Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng), nhận trách nhiệm. Thám tử của cảnh sát cho rằng, cái tên này chỉ là nguỵ danh của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh.

Một buổi sáng sớm tinh sương của tháng Tư năm 1991, ba toán đông đảo đặc vụ FBI cùng lúc đột nhập nhà riêng và nhà tập thể của Mặt Trận ở San Jose, đưa trát toà và bắt đi năm cán bộ cao cấp của Mặt Trận với tội danh “trốn thuế”. Tất cả đều bị còng. Sự đông đảo đặc vụ và những chiếc xe sơn đen, có chớp đèn xanh đỏ, trong một buổi sáng thật sớm để cho FBI biểu dương quyền lực, làm rộn ràng một khu phố.

Ngay sau đó, toà án khu vực San Jose cho biết số tiền thế chân để được tại ngoại, mỗi người lên tới hơn một triệu Đô-La. Rồi thông cáo báo chí được tung ra và thế là báo chí chạy trang nhất. Các tờ báo có thành kiến tha hồ bôi đen Mặt Trận: “K-9 đã Sa Lưới”, “Mặt Trận là thủ phạm…”. Người có kinh nghiệm về những chuyện này cũng khó hiểu được chuyện gì đàng sau. Các vụ ám sát có liên hệ gì đến vụ bố ráp này không? Thám tử của FBI từng nêu thắc mắc, Mặt Trận được thành lập khoảng năm 1982, làm sao có khả năng thực hiện các án mạng này?

Vào những năm ấy, ít ai để ý đến đạo luật “U.S. Neutrality Act”, quy định là tội ác liên bang đối với bất cứ công dân Hoa Kỳ hoặc thường trú nhân nào hỗ trợ tài chính hoặc tham gia “cuộc chiến đấu có võ trang” nhằm chống lại một chính phủ “đang trong tình trạng thân thiện với Hoa Kỳ”.

“Trốn thuế” chỉ là một cái cớ để gây tiếng ồn bên ngoài, bên trong là một thái độ sửa soạn bang giao với Việt cộng sẽ được diễn ra vào năm 1995. Trên các mặt báo chí Việt ngữ rồi đến báo chí của Mỹ, cứ làm như K-9, thủ phạm các cuộc ám sát đã sa lưới và Mặt Trận sẽ bị “tắt đèn” và chịu trách nhiệm các án mạng đã xảy ra. Vụ án “trốn thuế” của Mặt Trận kéo dài mấy năm, FBI kiên nhẫn chờ đợi các lời khai của cán bộ Mặt Trận để biết lực lượng võ trang của Mặt Trận còn lại bao nhiêu, thủ lãnh có còn sống ở đâu, hay đã chết,…

Bỗng một hôm, luật sư của Mặt Trận trình cho toà một bản telex, từ Toà Đại Sứ tại Bangkok gửi về cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, yêu cầu “tắt đèn” Mặt Trận Hoàng Cơ Minh. Thế là vụ án trở thành vụ án chính trị, được lặng lẽ huỷ bỏ với thoả thuận ngoài toà. Thông báo của toà, “…the Front had struck a secret deal with the CIA and the Department of Defense”.

Vậy Mà Không Phải Vậy

Báo chí Mỹ chờ đợi ở báo chí Việt ngữ ở Hoa Kỳ; báo chí của Việt cộng thì dịch lại tin tức mù mờ trên báo Mỹ. Phần lớn là đoán mò. Đến khi nghe toà tuyên bố phiên toà được huỷ bỏ vì lý do chính trị thì làng báo hụt hẩng, còn lại chỉ là những chuyện lơ tơ mơ. Báo chí Mỹ rút êm ru. Câu chuyện xem như đến đây là hết.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đạt được mục tiêu: tắt đèn Mặt Trận Hoàng Cơ Minh ở biên thuỳ Đông Dương. Ở Hoa Kỳ, Mặt Trận thoả thuận với Sở Thuế và FBI, từ từ thu xếp các sinh hoạt của Mặt Trận để đến năm sau, Hoa Kỳ và Việt cộng thiết lập bang giao. Mặt Trận vẫn được phép quyên góp tiền bạc với sổ sách rõ ràng. Tiền bạc của Mặt Trận không phải để võ trang chiến đấu mà để trang trải các chi phí nằm trong thoả thuận với CIA. Chuyện coi như xong!

FBI Đột Kích Mar-a-Lago

Quay qua chuyện bây giờ. Có tin cho rằng, có nội gián nằm vùng từ bên trong tư dinh của ông Trump đã báo cho FBI biết, nơi văn phòng của tổng thống Trump ở Mar-a-Lago có lưu trữ tài liệu bí mật quốc gia. Tin lèo! Lại có tin cho rằng, trong số các hồ sơ lưu trữ ở Mar-a-Lago có tài liệu vũ khí hạch tâm. Lại tin lèo và tin vịt!

Mar-a-Lago

Hôm 12/08, ông John Ratcliffe, cựu Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia cho biết “hầu như không thể” truy tố những người xử lý sai tài liệu mật và khẳng định rằng cựu Tổng thống Donald Trump có “thẩm quyền tối cao giải mật tài liệu” đối với các tài liệu đó. Ông John Ratcliffe, là nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hoà trước khi được tổng thống Trump bổ nhiệm làm giám đốc tình báo quốc gia, trả lời phỏng vấn trên thông tấn FoxNews, đã nói rằng, “Tổng thống có quyền tối cao để giải mật. Tổng thống Trump hoàn toàn có thể giải mật — và ông Trump có quyền đó, có thể giải mật bất cứ thứ gì khi ông ấy là tổng thống”.

Chúng ta duyệt lại từ khi Tổng thống Trump di chuyển đồ đạc ra khỏi Toà Bạch Ốc và đem về “Văn Phòng 45” ở tư dinh Mar-a-Lago. Những đồ đạc và hồ sơ khi đem ra khỏi Toà Bạch Ốc, đã được kiểm tra, phân loại và niêm phong. Trách nhiệm niêm phong và bảo quản thuộc bộ phận an ninh hồ sơ và bộ phận chuyên môn về Lưu Trữ Hồ Sơ. Trách nhiệm giải mật hay phân loại thuộc về tổng thống.

Ông Trump lúc còn làm tổng thống, ông có thẩm quyền phân loại hồ sơ nào thuộc loại bí mật, tối mật,… có thể nguy hại đến nền an ninh quốc gia. Ông đã làm việc cùng với một uỷ ban chuyên trách về lưu trữ hồ sơ. Uỷ ban này đã đề nghị với Tổng thống Trump nên khoá như thế nào, kiểm soát sự niêm phong ra sao, cất giữ ở đâu,… trong tư dinh của ông. Uỷ ban an ninh và lưu trữ có chìa khoá để vào những nơi lưu trữ hồ sơ. Những điều này do tổng thống Trump xác nhận như thế.

Do đó, khi Tổng thống Trump không có nhà, đặc vụ FBI có thể ra vào nơi cất giữ hồ sơ mật để kiểm tra hoặc di chuyển hồ sơ.

Khi nhìn thấy đông đảo đặc vụ FBI với xe cộ, đèn xanh đỏ chớp sáng tứ tung trong một buổi sáng tinh sương, khiến cho những người chung quanh không hiểu chuyện cứ tưởng có một tấn công, đột kích ồn ào của đặc vụ FBI đi bắt tội phạm! Thật ra, FBI đã thực thi lệnh của toà án khu vực với trát toà có chữ ký của Tổng Chưởng Lý Merrick Garland, với các thủ tục cụ thể được ghi trong đó.

Có tin nói rằng, FBI yêu cầu tắt máy camera ở những nơi họ làm việc. Điều này cũng là điều được thêu dệt. Chính Tổng thống Trump đã xác nhận rằng ông đã hợp tác với bộ phận chuyên môn về bảo quản hồ sơ mật và ông đã làm theo họ yêu cầu gắn thêm ổ khoá và hệ thống an ninh, trước khi đem hồ sơ về. Như vậy, bộ phận an ninh và trách nhiệm bảo quản đã biết rõ về hệ thống an ninh ở Mar-a-Lago.

Trong những lời phát biểu của Tổng thống Trump trên Truth Social, ông phàn nàn là Bộ Tư Pháp không cho ông biết trước về cuộc khám xét này. Rồi ông Trump cho biết, trong các thùng hồ sơ bị đem đi, có Sổ Thông Hành và hồ sơ làm ăn riêng tư của ông. Bộ Tư Pháp trả lời, họ sẽ trả lại nếu xét thấy không cần thiết. Các sự kiện diễn biến gần như “bình thường”, như đã xảy ra ở nơi khác trong quá khứ.

Đòi Công Khai Trát Toà

Đến nay, một đòi hỏi của phía các luật sư của ông Trump là, yêu cầu công khai nội dung của trát đòi của Bộ Tư Pháp. Phía Bộ Tư Pháp đang cân nhắc nên công khai bao nhiêu, và khi nào? Đây mới là mấu chốt của vấn đề.

Trong một cuộc phỏng vấn với FoxNews, ông John Ratcliffe không tin cuộc đột kích là vì “Văn Phòng 45” có chứa hồ sơ mật. Ông tin vụ này còn có cái gì khác nữa. Theo ông, chính FBI và Bộ Tư Pháp đặt ra tiêu chuẩn “khiến cho việc truy tố một vụ án như vậy hầu như không thể xảy ra”. Ông nhắc lại trường hợp bà Hillary Clinton, là người giữ các tài liệu mật. Dù bà Hillary có giữ hồ sơ mật, nhưng không có bằng chứng bà ta sử dụng nó như thế nào, nên bà không bị hề hấn gì cả. Ông Ratcliffe nói, “…FBI và Bộ Tư Pháp nên chứng minh là ông Trump biết những tài liệu đó và ông ấy không tin những tài liệu đã được giải mật”. Tuy nhiên, chính ông Trump đã xác nhận trên Truth Social rằng, tất cả các tài liệu bị tịch thu từ Mar-a-Lago đã được giải mật, nhân danh là tổng thống, có quyền hạn phân loại bảo mật và giải mật các tài liệu.

Vậy, Đột Kích Để Làm Gì?

Chắc chắn FBI và Bộ Tư Pháp biết việc họ phải làm gì. Kết quả họ muốn là cái gì?

Ông Alan Dershowitz, cựu giáo sư Trường Luật Harvard, nói rằng, cựu Tổng thống Donald Trump khó có thể bị bắt từ những cáo buộc trong cuộc đột kích của FBI hồi tuần trước. Khi báo Newsmax đặt câu hỏi, liệu Bộ Tư Pháp có đưa ra một cáo trạng và truy tố ông Trump, khiến cho ông không thể tranh cử vào năm 2024. Giáo sư Dershowitz trả lời, làm như vậy thì không khác nào tự sát.

Một điều mà giáo sư Luật, Dershowitz, khẳng định, hẳn làm cho nhiều người ngạc nhiên:“Ông Trump có thể tranh cử tổng thống ngay cả khi ông ấy bị truy tố, kết án và mặc áo sọc của tù nhân. Hiến Pháp chỉ đưa ra bốn lý do để không đủ tư cách làm tổng thống, và việc bị kết tội không phải là một trong số đó. Quốc hội không thể thay đổi các điều kiện trong Hiến Pháp về việc bầu chọn tổng thống”.

Bộ Tư Pháp và FBI thừa biết điều này.

Cả nước Mỹ, những người có tinh thần bảo thủ hay những người ủng hộ đảng Cộng Hoà đều nhìn thấy ông Trump có thể gây nhiều ảnh hưởng đối với cử tri. Ông đi đến đâu cũng được đón nhận nồng nhiệt. Ông ủng hộ ứng viên nào thì ứng viên ấy có nhiều hy vọng thắng cử. Nếu cứ để cho ông Trump hoạt động như “chỗ không người” thì không bao lâu đảng Dân Chủ sẽ bị xoá tên trong xã hội Hoa Kỳ. Chưa kể, đến năm 2024 ông Trump có ra ứng cử Tổng Thống hay không.

Cho nên, đang lúc thuận tiện, đảng Dân Chủ phải mượn tay của FBI và Bộ Tư Pháp để bôi đen ông Trump, càng đen càng tốt. Ông Trump bị bôi đen bao nhiêu, chưa ai biết.

Sơn Hà
18.Aug.2022