PHÊ BÌNH
NHỮNG LUẬN ĐIỆU PHẢN TRÍ THỨC
CỦA
NHÓM
GIAO ĐIỂM
(Trả lời các tác giả
Nguyễn Kha,
Trần Chung Ngọc
và Trần Văn Kha)
Gs. DƯƠNG NGỌC DŨNG
Lời Tựa
Trong một ngày tháng 8 năm 1996 chỉ còn vài tuần trước khi tôi lên đường trở về Việt Nam sau ba năm liền du học, Như Hạnh từ Virginia xuống thăm có tặng tôi một quyển sách đặc biệt: Đối Thoại với Giáo Hoàng John Paul II của nhóm Giao Điểm. Đọc xong tôi cảm thấy bức bội vì những lý luận nhảm nhí, cách trình bày vụng về, đầy thâm ý xuyên tạc, tràn ngập trong tác phẩm này nên viết bài phê bình. Mục tiêu của tôi lúc bây giờ chỉ để đưa cho Như Hạnh và vài bạn bè thân ở Mỹ đọc chơi, không có gì nghiêm túc vì chỉ còn vài ngày nữa tôi đã rời nước Mỹ về Việt Nam. Khi trở về nước tình cờ trong một cuộc nói chuyện liên quan đến vấn đề tôn giáo, một người bạn nhắc đến cuốn sách của nhóm Giao Điểm và hỏi tôi có quen biết ai trong nhóm này (anh bạn tôi cứ tưởng nước Mỹ nhỏ tương đương với Việt Nam, ai sang đó cũng biết nhau hết). Tôi trả lời chỉ biết họ qua một cuốn sách và cho biết thêm có viết bài phê bình cuốn sách đó. Anh bạn liền mượn tôi tập bản thảo đánh máy vi tính mang về đọc và hứa không phổ biến cho bất kỳ ai khác vì tôi cảm thấy chuyện một người đang ở Việt Nam lại phê bình những người đang sống bên Mỹ thì dễ dàng lây lan sang những vấn đề chính trị khác chẳng hay ho gì.
Sau một tuần anh bạn tôi mang trả bản thảo tại Khoa Đông Phương, nơi tôi đang công tác giảng dạy nhưng tôi không hề biết nên chẳng đến lấy. Bản thảo nằm đó khoảng một tuần cho đến khi cô thư ký văn phòng khoa gọi điện bảo tôi lên lấy mang về. Khoảng một tháng sau thì giới Công Giáo râm ran tin đồn về một “ông Dương Ngọc Dũng” nào đấy viết bài “đập” nhóm Giao Điểm. Tôi hoàn toàn bất ngờ trước sự kiện này. Tự tôi đi điều tra cùng với một anh bạn thì phát hiện rằng bản thảo của tôi giờ đây đã hóa thân thành một phần trong một cuốn sách in lậu chung tác giả với Đỗ mạnh Tri là người tôi cũng chẳng hề quen biết bao giờ. Sách được bán xung quanh khu vực nhà thờ Ba Chuông và nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Anh bạn tôi giả dạng Việt kiều về nước và là tín đồ Công Giáo tìm mua sách phê bình nhóm Giao Điểm vì không “chịu nổi mấy tên lôi cả Đức Thánh Cha ra chửi bới như hàng cá”. Các nhân vật ở nhà thờ Ba Chuông lập tức đưa thông tin (khá chính xác, chứ không vu khống, dựng chuyện về tôi như nhóm Giao Điểm) về tôi và Đỗ mạnh Tri như sau: “Ông Dũng là người ở đây, đang dạy ở đại học. Ông Đỗ Mạnh Tri là ở Pháp, là người Thiên Chúa Giáo, lập trường chống nhà nước ởđây”.
Như vậy tác phẩm, được viết trong thời gian quá ngắn và trong một hoàn cảnh hết sức tình cờ ngẫu nhiên, chưa kịp sửa lại đến một dòng, một chữ, được tung ra thị trường chữ nghĩa trong tình trạng “gồ ghề” nguyên thủy. Một anh bạn nói đùa: “Đây là một sản phẩm avorté”. Ngay cả việc ra đời một tác phẩm cũng có một sô' phận riêng. Đó chính là lý do tại sao nhóm Giao Điểm, có đường dây quen biết tại Mỹ, Pháp, Việt Nam, rất rộng rãi, quen biết cả những cán bộ cao cấp ở đây, hoàn toàn không thể đoán ra tác giả là ai. Thậm chí cho đến bây giờ Trần văn Chi, Tổng thư ký tạp chí Giao Điểm, hiện đang có mặt tại Việt Nam, vẫn ngờ rằng chính Như Hạnh là tác giả thực sự của cuốn “Nhận Định về Các Trí Thức Phật Giáo Trong Nhóm Giao Điểm”. Nguyễn Kha và Trần văn-Kha cả quyết tôi là người Thiên Chúa Giáo thuê viết. Nguyễn Kha vu cáo tôi thi... trượt học bổng đi Mỹ, phải đi du học tự túc. Trần văn Kha đòi đánh tôi bể mặt, chửi tôi là “ăn nói thiếu văn hóa, hỗn xược” (còn đòi đánh tôi bể mặt phải gọi bằng gì? Du côn văn hóa? Chợ trời văn hóa?). Trần Chung Ngọc nghi nghi ngờ ngờ không biết rõ thân phận tôi nên vẫn chửi tá lả cho dù là “anh có bằng Ph.D ở Harvard ra cũng mặc”. Giáo sư Minh Chi quả quyết tôi là người Thiên Chúa Giáo, mặc dù ông biết rõ hơn ai hết trước đây tôi là giảng viên Anh ngữ tại trường Phật Học Cao Cấp và phụ tá cho hòa thượng Minh Châu trong công tác phiên dịch tại các hội nghị Phật Giáo quốc tế. Thiên Chúa Giáo ngờ vực tôi là người của nhà nước cử ra... cò mồi. Nhà nước thì khuyên tôi chớ nên... làm bậy nữa.
Sau đó nhóm Giao Điểm, cụ thể là ba tác giả Nguyễn Kha, Trần văn Kha, Trần Chung Ngọc, họp nhau lại cùng in chung một quyển sách để phê bình tôi có nhan đề “về ông Dương Ngọc Dũng và bài Phê Bình Quyển Đối Thoại Với Giáo Hoàng” (Giao Điểm x.b. 1997). Trần văn Kha không tiếc lời thóa mạ tôi bằng những lời lẽ hạ cấp nhất không xứng với một “tiến sĩ ngôn ngữ học” (theo lời khoe của Trần văn Kha với giáo sư Bùi Khánh Thế, trưởng khoa Đông Phương Học), thậm chí đòi đánh tôi “bể mặt”. Đáng lý tôi không viết bài trả lời những luận điệu dơ bẩn, nhố nhăng này làm gì, nhưng một số bạn bè, người thân, và sinh viên yêu cầu tôi viết trả lời những luận điệu vu cáo, xuyên tạc cá nhân tôi, dù chỉ là một lần cuối cùng. Tôi đồng ý và khởi sự viết ba bài trả lởi cho ba tác giả đã công kích tôi dữ dội trong quyển sách nói trên. Tôi viết cho những người vẫn còn tin tưởng ở tôi, tin tưởng ở một sự lương thiện trí thức tôi thiểu, tin tưởng vào một sự công tâm tối thiểu. Tôi không phải là người Thiên Chúa Giáo. Tôi không làm việc theo sự chỉ đạo của nhà nước. Tôi cũng không phải người của Phật Giáo cử sang Mỹ du học như có một số người hiểu lầm. Trong quyển sách dĩ nhiên còn nhiều khuyết điểm liên quan đến cách trình bày, nhưng dù sao tôi đã nói thẳng, nói thật những gì mình nghĩ trong đầu, không che dấu, không ngụy trang. Con chó thì phải gọi là con chó, chẳng lẽ lại vòng vo mô tả “con vật bốn chân biết sủa” hay sao?
Tôi gởi tặng tác phẩm mang đầy tính bút chiến này cho tất cả các bạn bè xa gần của tôi, cho cả các sinh viên với bao tình thương mến vì họ đã tin tưởng vào cá nhân tôi, cho tất cả những con người trong sạch và thẳng thắng đang tiến lên trên con đường truy cầu chân lý “dũng mãnh như những con sư tử đang cười vang đi đến trong ánh hoàng hôn đỏ rực của các thần tượng”. Dixi et salvavi animam meam.
Viết xong ngày 24 tháng 6 năm 1997 tại Saigon