PHÊ BÌNH
NHỮNG LUẬN ĐIỆU
PHẢN TRÍ THỨC
CỦA NHÓM GIAO ĐIỂM

(Trả lời các tác giả
Nguyễn Kha,
Trần Chung Ngọc
và Trần Văn Kha)

Gs. DƯƠNG NGỌC DŨNG


Sách Hiếm


Lời Ngỏ
Của Nhà Xuất Bản


Cuốn “Đối Thoại Với Giáo Hoàng Gioan Phaolô II” do nhóm Giáo Điểm ấn hành tại Hoa Kỳ năm 1995 đã tạo nên một làn sóng công phẫn trong dư luận đồng bào Việt Nam không phân biệt tôn giáo ở trong cũng như ngoài nước. Sự kiện những thành phần trong nhóm Giao Điểm công nhiên vỗ ngực nhân danh Phật Giáo mượn chuyện đối thoại để chống phá một tôn giáo bạn càng khiến cho mọi người thêm phẫn nộ. Nhiều nhà văn, nhà báo cùng các bậc trí giả trong cộng đồng đã lên tiếng nhận định về hành vi sai trái này. Điển hình cho những tiếng nói thẳng thắn trên đây là giáo sư Đỗ Mạnh Tri, một trí thức Công Giáo Việt Nam ở Pháp và giáo sư Dương Ngọc Dũng, một nhân sĩ ngoài Công Giáo và là một chuyên gia nghiên cứu về  Phật Học xuất thân đại học Harvard, Hoa Kỳ hiện đang dạy học tại Việt Nam.

Cuối năm 1996, giáo sư Đỗ Mạnh Tri đã viết cuốn "NGÓN TAY VÀ MẶT TRĂNG” với phụ đề  “Nói Với 18 Tác Giả Giao Điểm”.   Tác phẩm này đã được nhà Xuất Bản Tin ở Paris ấn hành lần đầu. Sau đó, nhóm Đường sống đã tái bản 3000 cuốn tại nam California Hoa Kỳ năm 1997. Trong buổi ra mắt sách được tổ chức tại phòng sinh hoạt cộng đồng thuộc thành phố Westminster thảng 7/1997, các nhân sĩ Phật Giáo như Giáo Sư Lưu Trung Khảo và nguyên Đề Đốc Đặng Cao Thăng đã hết lời ca ngợi tinh thần khoan dung thể hiện qua những lý chứng sắc bén của tác giả “NGÓN TAY VÀ MẶT TRĂNG" trong khi đưa ra những luận điểm để bác khước những lời lẽ thiếu thiện ý của những cây bút trong nhóm Giao Điểm.

Cũng vào khoảng thời gian này, ông Lý Trần Mai ở Chicago đã cho tái bản cuốn "NHẬN ĐỊNH VỀ CÁC TRÍ THỨC PHẬT GIÁO TRONG NHÓM GIAO ĐIỂM HOA KỲ” mà tác giả là giáo sư Dương Ngọc Dũng một nhân vật trí thức ngoài Công Giáo hiện đang sinh sống tại Sài Gòn. Theo giáo sư Dũng thì vào mùa thu năm 1996, sau khi kết thúc học trình về chuyên đề Phật Giáo tại Đại Học Harvard đang chuẩn bị về nước, tình cờ ông được đọc qua cuốn "Đối Thoại... " của nhóm Giao Điểm. Cảm thấy bất bình vì “những lý luận nhảm nhí, cách trình bày vụng về, đầy thâm ý xuyên tạc tràn ngập trong tác phẩm này” nên ông đã phải lên tiếng nhận định. Tác phẩm của giáo sư Dương Ngọc Dũng đã được ấn hành lần đầu tại Sài Gòn cuối năm đó.

Dĩ nhiên khi làm công việc này, cả hai nhà trí thức họ Đỗ và họ Dương đều có chung một thiện chí là làm sáng tỏ một vấn đề dễ gây ngộ nhận có cơ làm sứt mẻ tình tương thân tương ái cần có giữa các tôn giáo, đồng thời giúp cho những cây bút trong nhóm Giao Điểm nhận ra những sai trái của mình. Tuy nhiên điều đáng tiếc là thiện chí này đã không được đáp ứng. Không lâu sau đó, nhóm Giao Điểm đã tung ra hai cuốn sách mà nội dung không gì khác hơn là vận dụng tất cả những ngôn từ hạ cấp nhất để phản kích hai giáo sư Đỗ Mạnh Tri và Dương Ngọc Dũng.

Tác phẩm mà quý độc giả đang có trên tay là tác phẩm thứ hai của giáo sư Dương Ngọc Dũng nhằm trả lời ba tác giả Nguyễn Kha, Trần Văn Kha và Trần Chung Ngọc điều mà ông gọi là "Những Luận Điệu Phản Trí Thức Của Nhóm Giao Điểm”.

Quyết định tái bản cuốn sách này, chúng tôi muốn nói theo ông Lý Trần Mai và những bạn hữu của ông ở Chicago khi can đảm giới thiệu tác phẩm thứ nhất của giáo sư Dũng một năm trước đây. Cũng vì thế, để đóng lại lá thư ngỏ này, chúng tôi xin phép được lập lại những lời tâm huyết của ông Lý trong lời mở đầu tác phẩm “NHẬN ĐỊNH VỀ CÁC TRÍ THỨC PHẬT GIẢO TRONG NHÓM GIAO ĐIỂM HOA KỲ":

“...Những nhận định của tác giả trong cuốn sách này mang thiện tâm của một người trí thức chân chính muốn bảo vệ sự thật. Một mặt, ông vạch rõ những hiểu biết nông cạn, lệch lạc, phản lại tinh thần Phật Giáo của những trí thức nửa mùa, cao ngạo. Mặt khác, ông còn đập nát những luận điểm ấu trĩ, đầy gian ý của nhóm này khi điên cuồng chống phá một tôn giáo bạn”.

Sự có mặt của những tác phẩm của những cây bút giầu kiến thức và lương tâm chức nghiệp như Đỗ Mạnh Tri và Dương Ngọc Dũng càng trở nên cấp thiết hơn, khi mà hiện nay trên thị trường chữ nghĩa hải ngoại càng ngày người ta càng thấy xuất hiện nhiều những cuốn sách, những bài viết nhằm bôi bác những giá trị ngàn đời của các tôn giáo.

Lời cuối cùng của chúng tôi là xin chân thành gửi tới quý vị độc giả, bất kể tôn giáo, lời tâm nguyện mong bắc một nhịp cầu thông cảm giữa các khối lực tôn giáo, giữa người với người mà cụ thể là giữa người Việt Nam chúng ta.

Trân trọng

Nhà xuất bản
LÁ BỒ ĐỀ
CHICAGO

 


Sách Hiếm