Translate this page: English French German Spanish Vietnam

NHẬN ĐỊNH VỀ CÁC
TRÍ THỨC PHẬT GIÁO
TRONG NHÓM
GIAO ĐIỂM HOA KỲ
Gs. DƯƠNG NGỌC DŨNG


Sách Hiếm


Chương 5

Phê bình bài viết
“Sở tri chướng và kinh tế thị trường”
của Phạm Trọng Chánh

5.1. Như hầu hết các tác giả Giao Điểm, Phạm Trọng Chánh có sự thích thú trong việc sử dụng một số thuật ngữ Phật Giáo mà bản thân mình không hiểu gì cả, hoặc hiểu lầm, hiểu sai. Trong cuộc sống chúng ta gặp rất nhiều loại trí thức dở hơi này: thích xen những thuật ngữ triết học cầu kỳ, bí hiểm vào trong những cuộc đàm thoại, những bài viết, chẳng hạn về phương diện tư tưởng Phật Giáo thì thích nhất là các danh từ Thiền, Bản Lai Diện Mục, Sở Tri chướng, Thế Trí Biện Thông, Phật Tính, Chứng Tánh Ly Sanh, Vô Sanh Pháp Nhẫn, A Lại Da Thức, v.v... nhưng khi hỏi lại thì đớ ra, thú nhận là không hiểu hoặc giảng giải trật lấc. Tôi đâm ra hoài nghi không biết có phải vì Phật Giáo sở hữu một số thuật ngữ nghe cao siêu hấp dẫn, nên mấy ngài trí thức dở hơi này mới đâm ra sùng mộ triết học Phật Giáo như vậy, chứ thật tâm cũng chẳng muốn tốn thì giờ nghiên, cứu Phật Học làm gì. Chính vì vậy mới dẫn đến những sai lầm ngớ ngẩn như khi Phạm Trọng Chánh định nghĩa “sở tri chướng” như sau :

Điều nhà Phật gọi là sở tri chướng, cái hiểu biết sẵn có đã đầy, ngăn cản điều hiểu biết mới như tách trà đã đầy, rót thêm chỉ tràn ra ngoài (sđd:137).

Tôi đã giải thích ý nghĩa của thuật ngữ này trong chương 1 nên không nhắc lại ở đây. Có thể nói ngay cả một số dòng tu sĩ, tăng ni, cư sĩ Phật Giáo cũng hiểu khái niệm “sở tri chướng” giống hệt như Phạm Trọng Chánh. Tôi có dịp trao đổi với nhiều tu sĩ Phật Giáo được xem là “cao tăng” và cũng bị họ gán cho biệt danh “sở tri chướng”, ý muốn nói tôi quá bám vào sách vở, kinh điển, và không chú tâm đến khía cạnh thực tiễn tâm linh, tu tập. Nhất Hạnh khi phê phán những nhà nghiên cứu Phật Học cũng dùng luận điệu này (trong Nẻo Vào Thiền Học). Nói như thế có nghĩa là tôi sẽ thông cảm cho Phạm Trọng Chánh, vì ngay cả một số tu sĩ Phật Giáo cũng hiểu lầm ý nghĩa của thuật ngữ này, và cắt nghĩa nó giống như tác giả họ Phạm, nếu điều này không xuất hiện trong một cuốn sách nghiêm túc, đòi đối thoại với Đức Giáo Hoàng và bênh vực Phật Giáo. Phật giáo thực ra không cần ai bênh vực mà Phật Giáo cần được hiểu đúng, thật đúng.

Cho đến nay điều kỳ lạ nhất là chúng ta, một dân tộc tự hào có truyền thông theo đạo Phật, vẫn chưa hiểu hết chiều sâu thăm thẳm trong tư tưởng Phật giáo. Cho nên những người muốn xả thân cho đạo Phật, muốn bênh vực cho Phật Giáo một cách đúng đắn, thành khẩn nhất, phải là những người thực sự nghiêm chỉnh bắt tay vào việc học hỏi giáo lý và nghiên cứu tư tưởng triết học Phật Giáo, không phải những cư sĩ tự cho là tín đồ thuần thành, nhưng không bao giờ chịu bỏ công học hỏi về Đạo Phật. Khi phát biểu về Phật Giáo chỉ để bộc lộ những hiểu biết nông cạn, nên vô tình bóp méo, xuyên tạc chân lý vi diệu trong tư tưởng Phật Giáo. Những người bênh vực cho Phật Giáo thật sự chính là những người, nếu theo quan điểm của Trần Chung Ngọc, Lê Hiếu Liêm, Phạm Trọng Chánh và sư phụ của họ là Nhất Hạnh, sẽ bị kết án là “sở tri chướng”: Nagarjuna, Aryadeva, Candrakirti, Bhavaviveka, Huyền Trang, Khuy Cơ, Viên trắc, Dharmakirti, Dinnaga, những bậc trí tuệ lỗi lạc, đa văn quảng kiến. Huyền Trang đã nghiên cứu học hỏi kinh điển trong một thời gian rất dài (hơn 13 năm) để khi trở về Trung Quốc có thể xiển dương hoằng pháp cho một hệ thống triết học tinh vi, sâu xa độc nhất vô nhị trong lịch sử tư tưởng loài người: Duy Thức Học. Ông không lười biếng ngồi trong một ngôi chùa Trung Quốc để tụng kinh gõ mõ và nói bậy bạ về giáo lý của Đức Thế Tôn. Dĩ nhiên không phải nhà sư nào cũng có căn cơ siêu việt như Huyền Trang, nhưng chúng ta phải xem ông là một mô hình lý tưởng đáng theo đuổi: nghĩa là luôn luôn chuyên cần học hỏi giáo lý, xem đó là chỉ nam hướng dẫn cho việc thực hành tôn giáo và đặc biệt tránh thái độ xấu xa nhất là dán nhãn hiệu “sở tri chướng” cho những người dấn thân vào việc nghiên cứu kinh điển một cách nghiêm nghị.

5.2. Chính do không có “sở tri chướng” nên Phạm Trọng Chánh định nghĩa Thiền như sau: “Thiền là một môn thể dục không hơn không kém, nhu Judo hay Karaté mà thôi (sđd:139). Chuyện này nên để “thiền sư Nhất Hạnh” bình phẩm về khả năng trí thức của Phạm Trọng Chánh.

Một luận điệu phổ biến và sai lầm về Phật Giáo lại được Phạm Trọng Chánh lập lại như sau: “Đạo Phật tin vào sự tự cứu lấy mình, tự thắp đuốc lên mà đi” (sđd:138). Thực tiễn tu tập Phật Giáo hoàn toàn bác bỏ luận điệu này. Tịnh Độ Tông không hề khuyến khích Phật tử “tự cứu lấy mình” hay “thắp đuốc lên mà đi” mà phải đặt niềm tin vào nguyện lực A Di Đà. Bất cứ tôn giáo nào cũng sụp đổ nếu vị giáo chủ khi thấy tín đồ đến tìm mình mà lại bảo họ tự thắp đuốc lên mà đi”.

Tôn giáo không thế tồn tại nếu ai cũng “tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Đi đâu? Bằng cách nào? Chẳng lẽ đi một mình trong cõi vô thường suốt kiếp ư? Phật Giáo tồn tại như một cộng đồng, liên nhân. Tại sao chúng ta lại phải quy y Tam Bảo? Quy y Tam Bảo chính là nương tựa vào sức gia trì hộ niệm của chư Phật (Phật Bảo), lấy chánh pháp, giáo lý của Phật (Pháp Bảo) làm chỉ nam hướng dẫn tư duy và hành động, và tìm nơi trú ẩn nơi Giáo Hội (Tăng Bảo), nơi tập trung những người có cùng một nhu cầu tôn giáo để đôn đốc, hướng dẫn nhau trên con đường đi tìm giải thoát. Con người không thể và không bao giờ nên đi một mình hiểu theo sự cắt nghĩa nông cạn của Phạm Trọng Chánh. Lối nói sáo ngữ “tự mình thắp đuốc lên mà đi" phải ném ngay vào thùng rác lịch sử một. cách không thương tiếc.




Sách Hiếm