Chương 7
Phê bình bài viết
“Giáo Lý Nhà Phật và Phát Triển Kinh Tế”
của Nguyễn Phúc Bửu Tập
7.1. Bài viết “Giáo Lý Nhà Phật và Phát Triển Kinh Tế” nằm trong phần phụ lục của cuốn sách Đối Thoại, nghĩa là nó không liên quan trực tiếp đến chủ đề chính của toàn bộ cuốn sách là chỉ trích sự nhận định sai lầm về Phật Giáo của Đức Giáo Hoàng. Nhưng nó cũng liên quan một cách gián tiếp đến chủ đề song song với chủ đề chính nói trên: bênh vực cho giáo lý Phật Giáo, cho rằng giáo lý Phật Giáo cao siêu hơn Thiên Chúa Giáo. Nguyễn Phúc Bửu Tập chọn một đề tài hấp dẫn và gai góc: khía cạnh tư tưởng kinh tế trong giáo lý Phật Giáo. Nếu được khai thác một cách đúng đắn, bài viết này có thể khai triển thành một luận văn khảo cứu thú vị về vai trò Phật Giáo đối với cấu trúc kinh tế xã hội, trong đó Phật Giáo phát triển. Nhưng đáng tiếc là tác giả không được trang bị đầy đủ về một phương diện quan trọng nhất để tiến hành công việc khảo cứu này: sự am hiểu lịch sử và ngôn ngữ Ấn Độ trong thời kỳ hoằng Pháp của Đức Phật. Muốn có một cái nhìn tương đối chính xác về vấn đề này nhà nghiên cứu cần có những kiến thức vững chắc trong nhiều lãnh vực ngôn ngữ Ấn, cổ sử Ấn, xã hội học, kinh tế học, đó là chưa kể những phát kiến khảo cổ học. Tôi không hề có tham vọng tiến hành công việc khảo cứu này và cũng không có ý định phê phán những thuyên giải của Nguyễn Phúc Bửu Tập là hoàn toàn sai lầm. Nhận định tổng quát về bài viết của tác giả có thể tóm tắt vào hai khuyết điểm chính:
1. Với một đề tài quan trọng như vậy mà Nguyễn Phúc Bửu Tập thảo luận một cách quá phiến diện và hời hợt: chỉ trong vài trang giấy tác giả dường như cho mình đã hoàn tất mục tiêu tự đặt ra là trả lời câu hỏi “Đạo Phật kềm hãm hay khuyến trợ kinh tế ?” Những phân tích của Nguyễn Phúc Bửu Tập đơn thuần là những suy luận (speculation) vội vã không dựa trên những khảo sát cứ liệu một cách tỉ mỉ và đúng phương pháp xã hội học.
2. Khuyết điểm này có lẽ bắt nguồn từ hay là nguyên nhân của một thái độ kháo cứu cẩu thả: tác giả trích dẫn một tác giả viết về đề tài này như S.K.. Nanagakkara, W.G.Weeraratne, Max Weber, Trevor Ling, nhưng không hề nêu ra tác phẩm và xuất xứ được trích dẫn. Về S.K..Nanagakkara, Nguyễn Phúc Bửu Tập trích trong tự điển bách khoa (Encyclopedia of Buddhism) là không phù hợp với tiêu chuẩn nghiên cứu, vì không học giả nào lại căn cứ vào những thông tin mang tính chất tổng quát, cô đọng và tóm tắt trong các tự điển bách khoa để chứng minh hay bài bác những luận chứng quan trọng. Dường như tất cả các tác giả Nguyễn Phúc Bửu Tập trích dẫn, đều rút ra từ trong bộ từ điển bách khoa này, trừ Max Weber. Bản thân Max Weber viết rất nhiều về quan hệ giữa tôn giáo và kinh tế trong nhiều tác phẩm - ngoại trừ tác phẩm nổi tiếng nhất đã được Talcott Parsons dịch sang tiếng Anh là The Protestant Ethic and the spirit of Capitalism - như The Religion of India, Judaism. Tác phẩm quan trọng nhất của Weber có liên quan đến đề tài Nguyễn Phúc Bửu Tập đang thảo luận lại không hề được tác giả nhắc đến: The Religion of India, bản dịch tiếng Anh của Hans H. Gerth và Don Martindale (New York: The Free Press, 1958). Nhưng không hiểu tại sao
Nguyền Phúc Bửu Tập lại phải viện dẫn đến Max Weber đế ủng hộ cho các thuyết minh của mình, vì Weber có những nhận xét hoàn toàn tiêu cực về vai trò của Phật Giáo trong việc phát triển kinh tế tại Ấn Độ. Điều này có thể thấy rõ trong tác phẩm nêu trên.
3. Cũng như tất cả các tác giả khác trong cùng tập sách, Nguyễn Phúc Bửu Tập không hề có kiến thức gì về Phật Giáo và Ấn Độ Học nên phạm những lỗi lầm hết sức sơ đẳng, chẳng hạn dịch svadharma là “nghề nghiệp” (sđd:321) hay phát biểu: “Kinh Bắc Tông chưa hoàn toàn được quy luật hóa” (sđd: 318).
Một trong những khuyết điểm chính của các tác giả viết các bài chuyên khảo (monographs), mà Nguyễn Phúc Bửu Tập là một trường hợp tiêu biểu, là viết về những đề tài mà không hề có một hiểu biết về những tác phẩm cơ bản đã viết về đề tài đó, nghĩa là hoàn toàn không có ý niệm hay ý thức gì cả về một nền học thuật (scholarship) đi trước. Chẳng hạn nhiều người cầm bút lên bàn về Nguyễn Du một cách thoải mái, nói nhăng, nói cuội, không cần biết trước đây Hoàng Xuân Hãn, Kiều Oánh Mậu, Đào Duy Anh, Phan Ngọc và nhiều học giả Hán Nôm khác tại Việt Nam cũng như tại Trung Quốc đã viết, đã bàn gì về Nguyễn Du.
Hơn nữa, khi bắt tay vào việc nghiên cứu một vấn đề học thuật, cần phân biệt rõ các tư liệu gốc (primary sources) và các sách vở, học thuật khảo luận về các tư liệu gốc đó (secondary sources). Chẳng hạn tác phẩm Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Phạn là tài liệu gốc, nhưng bản chú giải cuốn kinh này của Trí Khải (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa) là tài liệu thứ cấp (secondary sources). Khi nghiên cứu một vấn đề tư tưởng quan trọng, chẳng hạn như các khái niệm kinh tế xã hội trong Phật giáo, chúng ta phải căn cứ chủ yếu vào việc đọc và giải thích các tài liệu gốc, sau đó bổ sung bằng các tài liệu thứ cấp. Việc bổ sung tài liệu thứ cấp có hai chức năng chính: tìm sự hỗ trợ từ các học giả có tên tuổi đã được thừa nhận là chuyên gia trong lãnh vực có liên quan đến đề tài nghiên cứu, chứng tỏ có ý thức về một nền học thuật đi trước về đề tài đang được thảo luận. Nhưng đáng tiếc là Nguyễn Phúc Bửu Tập không hề có khả năng đọc và giải thích vào các văn bản gốc liên hệ, cũng như không hề tỏ ra có ý thức về các học giả chuyên ngành đã nói gì về vấn đề quan trọng này. Phương pháp tiến hành, một cách tổng quát, có thể theo trình tự như sau:
1. Trình bày quan điểm tiêu cực của Max Weber về Phật Giáo nói riêng và tôn giáo Ấn Độ nói chung. Riêng về Phật Giáo Trung Quốc tác phẩm quan trọng nhất có liên quan tới vấn đề quan hệ tới kinh tế và Phật Giáo cần phải đọc là Buddhism in Chinese Society của Jacques Gernel.
2. Phê phán quan điểm của Max Weber dựa trên các tác phẩm điển hình phê bình lý thuyết Weber, chẳng hạn có thề dùng tác phẩm Religion and Economic Action của Kurt Samuelson (New York: Harper Torchbooks, 1961, bản tiếng Anh của Geoffrey French).
3. Chọn lọc những văn bản gốc trong lịch sử tư tưởng Phật Giáo để phân tích và thảo luận. Tư tưởng chính trị xã hội trong triết học Phật Giáo đặc biệt phong phú trong các tông phái Đại Thừa, nhưng Nguyễn Phúc Bửu Tập không hề ý thức sự kiện này. Tôi xin trích dẫn những tư liệu gốc có liên quan: Matreeta (Maharaja-Kanika-Lekha), Ratnaưali của Nagaijuna, Subrllekha, Pháp Vương Chánh Lý Luận (bản nguyên tác Phạn Ngữ đã mất, chỉ còn bản dịch Hán ngữ của Huyền Trang, nhưng nội dung giống hệt như quyển 6 trong Du Già Sư Địa Luận (Yogarcara-bhumi), chương 13 của Kim Quang Minh Kinh (Suvarna-prabhasa- sutra).
4. Về các tư liệu thứ cấp có bàn đến chủ đề này chúng ta phải tham khảo các chuyên gia đã được thừa nhận trong ngành như Hajime Nakamora, Shukyo to Shakai Rinri (Tôn Giáo và Luân Lý Xã Hội, Tokyo: Twanami Shoten, 1959), bài viết “Buddhism and Economic Action in Burma” của Medford E.Spiro, chuyên gia về Phật Giáo Miến Điện, đăng trong tạp chí American Anthropologist số 68.5: 1163-73. Cũng nên tham khẩo tác phẩm Buddhism and society: A Great Tradition and its Burmese Vicissitudes (Berkeley: University of California Press, 1982) cùng tác giả Medford E. Spiro, về Phật Giáo Tiểu Thừa tại Thái Lan, nên đọc Thailand: A Profile of a Changing Buddhist Kingdom (Colorado: Westview Press, 1987) của Charles F.Keyes. Một số tác phẩm tổng quát nghiên cứu về đạo lý kinh tế (economic ethics) và ảnh hưởng qua lại giữa Phật Giáo và câu trúc kinh tê xã hội cần tham khảo như: In Hope of Nibbana (La Salle, III: Open court, 1964) của Winston King, Ethics, Wealth and Salvation. A Study in Buddhist Social Ethics (South Carolina: University of South Carolina Press, 1992) do Russell F. Sizemore và Donald K. Swearer biên tập, Buddhism Transformed: Religion Change in Sri Lanka (Princeton: Princeton University Press, 1988) của Richard Gombrich và Gananath Obeyesckere. về Trung Hoa nên tham khảo Jacques Gernel trong tác phẩm đã nêu trên.
Tất cả các tác phẩm gốc cũng như các sách viết về vấn đề này không hề được Nguyễn Phúc Bửu Tập nhắc nhở hay đề cập đến, điều đó chỉ chứng tỏ một điều: tác giả không hề có một chuẩn bị về mặt tri thức nào để có thể thảo luận về đề tài nghiên cứu của mình, do đó toàn thể nội dung và lý giải trở nên vô giá trị.
Đây là kết luận chung cho các tác giả trong trường phái Giao Điểm: các tác giả này có tham vọng bảo vệ Phật Giáo bằng cách nỗ lực trình bày những giá trị tích cực được tìm thấy trong lý tưởng cũng như trong thực hành Phật Giáo, nhưng do hạn chế nghiêm trọng về trình độ học thuật và kiến thức căn bản, những nỗ lực này trở nên vô ích, thậm chí có hại, vì lập lại một cách thiếu suy nghĩ những chân lý nửa vời về tư tưởng Phật Giáo. Có thể khẳng định những bài viết tập trung trong tập sách của nhóm Giao Điểm chỉ có giá trị như những bộc phát (outburst) hoàn toàn cảm tính và chủ quan về cuốn sách của Đức Giáo Hoàng, chứ không thể xem là những nỗ lực nghiêm chỉnh nhằm tiến hành một song thoại tôn giáo tích cực.