NHẬN ĐỊNH VỀ CÁC
TRÍ THỨC PHẬT GIÁO
TRONG NHÓM
GIAO ĐIỂM HOA KỲ
Gs. DƯƠNG NGỌC DŨNG


Sách Hiếm


Chương 6

Phê bình bài “Phật Giáo có phủ định cuộc sống và thế giới hay không?”của Minh Chi

6.1. Minh Chi là giáo sư Phật Học trường Cao Cấp Phật Học tại Việt Nam, nghĩa là về mặt danh chính ngôn thuận, tác giả này hơn hẳn tất cả các cây bút khác trong nhóm Giao Điểm là những tay tài tử trong thế giới tôn nghiêm của tư tưởng Phật Giáo. Nhưng thật ra ngay cả bản thân Minh Chi cũng chẳng được đào tạo một cách chính thống trong lãnh vực nghiên cứu Phật Học, nên kiến thức và trình độ văn hóa thật ra còn kém xa cả Hoàng Hà Thanh, Trần Chung Ngọc, Lê Hiếu Liêm trong nhóm Giao Điểm, vì ít ra các cây bút này sinh sống tại Hoa Kỳ nên còn tiếp cận được với một số lượng thông tin nhất định. Còn Minh Chi ngay cả tiếng Anh cũng chưa thông thạo, mà dù có thông thạo cũng không có tài liệu tham khảo trong tình trạng thiếu thốn thông tin tại Việt Nam, nên hiểu biết gặp nhiều khuyết điểm nghiêm trọng đáng được phê phán hơn tất cả các cây bút về Phật Giáo khác, vì tác giả có thế đánh lừa rất nhiều trí thức Việt Nam hiện nay nhờ khoác vào người cái mác “Giáo Sư Phật Học”.Nhưng ngài “giáo sư Phật Học” này không hề tỏ ra có ý thức về các khuyết điểm tri thức của bản thân mà trái lại lên giọng cao kỳ, uyên bác khuyên “các nhà thần học tại Vaticăng hãy đọc kỹ” quyển sách viết về tư tưởng Ấn Độ của Albert Schweitzer, một cuốn sách đã ra đời cách đây gần 60 năm, tức là tác phẩm Les Grands Penseurs de rinde. Bản thân Minh Chi cũng cho biết thêm về tác phẩm này đã bị Radhakrishnan phê bình triệt để trong tác phẩm Eastern Religions and Ethics.

6.2. Trước hết chúng ta không hiểu tại sao một người không hề biết gì về triết học Ấn Độ và muốn bênh vực cho Phật Giáo như Minh Chi lại phải dẫn đến hai cuốn sách nêu trên. Sự kiện cơ bản đầu tiên cần biết về triết học Ấn Độ chính là sự chống đối quyết liệt của hầu hết các trường phái tư tưởng Ấn đôi với Phật Giáo. Những triết gia lớn nhất của Ấn Giáo như Sankara, Ramanuja, Madhva, và ngay cả Vivekananda, đều bài xích, phê bình Phật Giáo, vì tất cả đều xem Phật Giáo là vô thần, hư vô chủ nghĩa (nastika). Người Tây Phương, đặc biệt là người Thiên Chúa Giáo như Đức Giáo Hoàng, nếu có hiểu lầm Phật Giáo là “vô thần” cũng không có gì đáng ngạc nhiên, vì ngay tại đất Ấn Độ, những đồng hương của Đức Phật vẫn giải thích giáo lý của Ngài như vậy.

Trong truyền thống triết học Ấn Độ, khi phủ nhận uy quyền của văn hệ Vedas đương nhiên bị kết án là vô thần (nastika). Cả hai phái Carvakas, Jainas và Bauddhas đều bị xem là thuộc nhóm các triết học vô thần, vì không chấp nhận thế giá của kinh Vedas, và đặc biệt là Phật Giáo khi Đức Phật không chấp nhận sự tồn tại của Atman và Brahman, trọng tâm của tư tưởng Ấn. Nếu Minh Chi làm một chuyện ngớ ngẩn là mượn hai cuốn sách của các tác giả viết về triết học Ấn độ để biện hộ cho Phật Giáo thì tác giả đã làm một việc vô nghĩa lý và chẳng có liên quan gì đến chủ đề thảo luận chính. Nếu ngài “giáo sư Phật Học” được đi học về triết học Ấn Độ tại một đại học Mỹ chẳng hạn, ngài sẽ thấy ngay là hầu như Phật Giáo bị loại ra khỏi khóa trình (syllabus) về triết Ấn và các giáo sư dạy triết học Ấn Độ (Indian Philosophy) chỉ tập trung giảng về Sankara, Ramanuja, Madhva, các tác phẩm Vedas, Upanishads, Bhagaval-Gita là chính. Muôn học về tư tưởng, lịch sử Phật Giáo lại phải ghi một course riêng. Nếu Đức Giáo Hoàng thực sự đọc vào hai quyển sách này, một của Albert Schweitzer, một tín đồ Thiên Chúa Giáo, và một của Radhadkrishnan, một tín đồ Ấn Giáo, thì hiểu biết về Phật Giáo của Giáo Hoàng chỉ càng tăng thêm sai lạc trầm trọng.

6.3. Bây giờ chúng ta hãy kiểm tra lại kiến thức Phật Giáo của vị “giáo sư Phật Học” của trường Phật Học Cao Cấp này.  Tôi thực sự ngạc nhiên khi không thấy ngài “giáo sư” trích dẫn kinh điển Phật Giáo để lập luận. Giống như hầu hết các cây bút khác trong nhóm Giao Điểm, ngài “giáo sư” cũng đưa ra những thuyết minh về tư tưởng Phật Giáo hoàn toàn dựa trên cảm tính chủ quan của mình. Minh Chi viết :

“Vỉ vậy mà có sách Phật định nghĩa Niết Bàn là từ bỏ tham, sân, si, (định nghĩa Niết Bàn của Huyền Trang, vị cao tăng nổi tiếng đời nhà Đường) (sđd:189).

Nhưng “giáo sư” Minh Chi không cho chúng ta biết cuốn sách đó tên gì, trang số mấy, một điều quan trọng nhất trong việc biên khảo, và chắc chắn là Huyền Trang không thể viết bằng tiếng Việt nên ngài “giáo sư” cần phải cung cấp luôn bản nguyên tác Hán ngữ để chúng ta có thể kiểm tra câu trích dẫn về Huyền Trang như thế có đúng hay không. Tôi đã tốn công tra cứu lại trong bộ Thành Duy Thức Luận và cả chú giải của Khuy Cơ vẫn không tìm ra định nghĩa của Niết Bàn như ngài “giáo sư” đã tuyên bố. Đây là điều nghịch lý vì một chi tiết tầm thường ai cũng biết như “Huyền Trang là một vị tăng nổi tiếng đời nhà Đường” lại được tác giả cẩn thận chú thích. Như thế nghĩa là sao? Chỉ còn cách giải thích duy nhất là Minh Chi không hề đọc Huyền Trang và thậm chí cũng không hề có cả cuốn “sách Phật” đó ngay trước mặt khi đưa ra câu định nghĩa nói trên.

Tôi xin nhắc cho ngài “giáo sư” nhớ lại các định nghĩa cơ bản về Niết Bàn trong Pali Tạng: Niết Bàn được định nghĩa như sự “chấm dứt tham ái, tham dục” (tanhakkhaya), “vô lậu, vô điều kiện” (asmkhata), “vô dục” (viraga), “đình chỉ, chấm dứt” (nirodha), “tuyệt diệt” (nibbana). Định nghĩa Niết Bàn là “chấm dứt lòng tham dục” (ragakkhayo), “chấm dứt lòng sân hận” (dosakkhayo), “chấm dứt si kiến” (mohakkhayo) có thể tìm thấy ngay trong Samyutta-nikaya (I, tr.136, trích theo bản của hội Pali Text) chứ không cần trích dẫn Huyền Trang cho mệt. Nhưng đó chỉ là một trong những định nghĩa về Niêt Bàn. Trong một nơi khác (Samyutta-nikayas, II, tr.117), Niết Bàn được đồng hóa với sự chấm dứt dòng sinh diệt (bhavanirodha). Trong kinh Dhatuvibhanga-sutra (kinh số 140 trong Majjhima-nikaya) Niết Bàn dược định nghĩa là Chân Lý Tuyệt Đối (paramam ariyasaccam) có nghĩa là Thực Tại Tuyệt Đối. Như vậy ý nghĩa của Niết Bàn ngay trong Pali Tạng đã không thống nhất, không phải đơn giản là “thoát ra khỏi tham sân si” như ngài “giáo sư” Minh Chi đã phán. Bởi vì sự hiểu biết đúng đắn về Niết Bàn quy định con đường thực hành tu tập nên hai định nghĩa khác nhau sẽ đưa đến hai kiến giải khác nhau về con đường cần phải đi để đạt đến đó. Nếu chúng ta quan niệm Niết Bàn là “diệt trừ tham ái” (tanhakkhayo) thì việc thực hành tu tập sẽ mang tính chất khổ hạnh, nghĩa là nỗ lực diệt trừ cái đang có, đang tồn tại, và gây đau khổ (dukkha). Việc tu tập sẽ mang tính chất trị liệu pháp (therapeutic), do đó nhiều lần trong Kinh Tạng, cả Thượng Tọa Bộ lẫn Đại Chúng Bộ, Phật được so sánh với một lương y. Nhưng nếu định nghĩa Niết Bàn là thực tại tuyệt đối (paramartha) hay chân lý tuyệt đối (paramam saccam) thì con đường tu tập phải là một nỗ lực nhằm đạt đến thực tại này hay đồng hóa với nó, do đó trong kinh tạng Đức Phật đồng thời cũng được so sánh với người thầy, bậc đạo sư vạch ra con đường cần phải theo để đạt đến Niết Bàn.

“Giáo sư” Minh Chi còn gián tiếp khoe khả năng tiếng Pháp khi trích dẫn một câu trong bản Pháp ngữ Entrez dans l'Espẻrance (nhóm Giao Điểm dịch “Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” là căn cứ vào bản tiếng Anh Crossing the Threshold of Hope) như sau:

Phật Giáo không bao giờ định nghĩa Niết Bàn như là thái độ bàng quang hoàn toàn đối với thế gian như Giáo Hoàng nói trong cuốn sách của Ngài (Le Nirvana, c'est-à- dire une indifference totale envers le monde, trang 142, bản Pháp đã dẫn).

Vấn đề ở đây tùy thuộc cách chúng ta dịch và hiểu chữ indifference totale trong bản Pháp văn như thế nào. Rất nhiều người kém ngoại ngữ khi đọc một câu, một chữ tiếng Anh hay tiếng Pháp thường tự dịch hay hiểu sang tiếng Việt rồi lên tiếng phê phán hay khen ngợi dựa trên chính bản dịch hay cách hiểu bằng tiếng Việt của mình. Thí dụ “thái độ bàng quan” (chứ không phải “bàng quang” như nhiều “trí thức” Việt Nam vẫn viết sai vì “quan” đây có nghĩa là nhìn ngắm, phát xuất từ thành ngữ Hán “tự thủ bàng quan” tương tự như “khoanh tay đứng ngó”) trong ngôn ngữ Việt mang nội dung ngữ nghĩa tiêu cực, diễn tả thái độ ích kỷ, không hề quan tâm đến người khác, theo kiểu “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” hay “sống chết mặc bay” nhưng tiếng Pháp indifference hay tiếng Anh indifference có nhiều nội dung ngữ nghĩa khác nhau nhưng cơ bản ý nghĩa liên hồi (connotation) của nó là mang tính trung lập (neutral), tự điển tiếng Pháp định nghĩa indifference như sau :

Indifference: état d’un corps indifferent au repos ou en mouvement. État d’une personne qui ne soucie pas plus d’une chose que de son contraire. Froideur, insensibilité (Nouveau Petit Larousse illustré).

Như chúng ta thấy trong định nghĩa nêu trên indifférence có thể mang nội dung ngữ nghĩa tiêu cực (Froideur = lạnh lùng, insensibilité = vô cảm, không nhạy cảm) nhưng có thể mang nội dung ngữ nghĩa trung lập (dửng dưng sao cũng được = ne soucier pas plus d’une chose que de son contraire) cũng như người Pháp nói indifference religieuse để diễn tả thái độ trung lập về phương diện tôn giáo : không chống đối bài bác tôn giáo nhưng cũng không bênh vực, tin theo. Thái độ của Phật Giáo trong Thượng Tọa Bộ trong một khía cạnh nào đó chấp nhận thái độ bình thản trước đau khổ hay hạnh phúc, vinh quang hay nhục nhã, nghèo hèn hay sang giàu, là thái độ tôn giáo cao nhất. Mà nếu định nghĩa Niết Bàn như ngài “giáo sư” Minh Chi là “từ bỏ tham sân si” thì kết quả chính là thái độ bình thản (bây giờ tôi dịch indifféerence là thái độ bình thản) dửng dưng như con gà của Kỷ Tinh Tử trong Nam Hoa Kinh. Chỉ khi nào giữ được một thái độ bình thản, hoàn toàn lãnh đạm với những cặp nhị nguyên đối đãi trong cuộc sống (xấu/đẹp, giàu/nghèo, vinh/nhục...) chúng ta mới có hy vọng thoát ra khỏi tham, sân, si, vì tham, sân, si không gì khác hơn là khao khát, ham thích một khía cạnh này và thù ghét ghê tởm khía cạnh ngược lại (thích đàn bà đẹp do chê đàn bà xấu, thích đồ ăn ngon do ghét đồ ăn dở, giận người ta nói xấu mình vì thích nghe lời khen...v.v...) nói tóm lại, theo tiếng Pháp, là chưa đạt đến tình trạng “ne soucie pas plus d’une chose que de son contraire” như trong định nghĩa của từ indifference. Minh Chi chỉ làm một việc ấu trĩ là gán cách hiểu danh từ này theo phạm trù văn hóa tiếng Việt (vốn gán cho danh từ “bàng quan” một nội dung tiêu cực) còn nếu chúng ta hiểu theo tiếng Pháp thì Giáo Hoàng có thể dùng một trong hai nghĩa nêu trên, chưa hẳn là một định nghĩa hoàn toàn sai về Niết Bàn. Nếu Niết Bàn, như Minh Chi định nghĩa, là “từ bỏ tham, sân, si” thì định nghĩa của Giáo Hoàng về Niết Bàn là “sự bình thản, lãnh đạm, thản nhiên hoàn toàn đối với thế giới” (indifférence totale envers le monde ) hoàn toàn trùng khớp với nhau và chẳng có gì mâu thuẫn đến nỗi ngài “giáo sư” phải lên tiếng than phiền về sự hiểu biết Phật Giáo của Đức Giáo Hoàng như thế.

6.4. Chúng ta hãy nghe “giáo sư” Minh Chi hùng hồn thuyết giảng tiếp về Niết Bàn:

Niết Bàn là sự từ bỏ tham sân si, là nỗ lực tối đa để con người trở thành hoàn thiện, trở thành bậc Thánh ngay trong thế gian này, chứ không phải ở một thế giới nào khác, tại một tương lai xa xôi nào khác. Phật Giáo luôn luôn khẳng định: Niết Bàn là ở đây và trong hiện tại (sđd:189).

Câu sáo ngữ rỗng tuếch này không hiểu sao đã được giới trí thức Việt Nam lập đi lập lại hàng triệu lần. Ngay cả một chút sáng tạo trong ngôn từ để giảm bớt tính sáo ngữ của câu nói Minh Chi cũng không có. Ngài “giáo sư” Phật Học cứ nói, cứ viết như một người chẳng hề suy nghĩ gì, chẳng hề có kinh điển, sách vở nghiên cứu Phật Học trước mặt. Tại sao không hề có một trích dẫn nào từ kinh điển Phật Giáo khi bàn đến những vấn đề quan trọng như Niết Bàn? Trong văn hóa Việt Nam tồn tại những câu phát biểu (statements) có vẻ như là đúng, là hợp lý, hợp tình, giống như “Tây Phương là khoa học, Đông Phương là đạo học”, “Phật Giáo chủ trương tự mình thắp đuốc lên mà đi”, “Tôn giáo Việt Nam là tôn giáo đồng nguyên”, “Phật Giáo Lý Trần là đóng góp lớn lao vào kho tàng Việt Triết” nhưng thật ra khi khảo chứng thì chúng xuất phát từ một vài cá nhân nào đó trong một thời điểm lịch sử nhất định nào đó với một mục tiêu thâm kín nào đó. Chúng không phải là những chân lý bất biến như một số người muốn chúng ta phải tin như vậy.

Minh Chi, cũng như bao nhiêu trí thức học hành lôm côm khác tại Việt Nam, cũng sống và cũng sẽ chết trong một mạng lưới sáo ngữ trống rỗng vây phủ văn hóa Việt Nam khắp nơi, cứ nhai đi nhai lại một mớ ý tưởng không hề được mang ra kiểm chứng lại. Cũng như định nghĩa trên về Niết Bàn của Minh Chi không phải là sai hiểu như đối lập với đúng - theo truyền thống kinh điển nhưng nó còn nguy hiểm và đáng kinh tởm hơn một câu phát biểu mà chúng ta thấy rõ là sai hẳn, chẳng hạn những câu phát biểu về Phật Giáo của Đức Giáo Hoàng (vì không ai muốn mua cuốn sách của Đức Giáo Hoàng về đọc để tìm hiểu Phật Giáo cả). Những người có “mác” giáo sư Phật Học, hay những đại đức, thiền sư như Nhất Hạnh mới chính là những kẻ thù địch nguy hiểm nhất cho Phật Giáo. Đọc vào bài viết của Minh Chi chúng ta có thể tự hỏi: “Tại sao một giáo sư Phật Học có thể có những nhận định và phát biểu thiển cận như vậy ? Hay là Phật Giáo đã suy đồi thật rồi ?”

Trở lại câu phát biểu của Minh Chi “Phật Giáo luôn khẳng định Niết Bàn là ở đây và trong hiện tại”, tôi chỉ yêu cầu ngài “giáo sư” Phật Học cung cấp cho người muốn tìm hiểu nghiên cứu về đạo Phật một câu trích dẫn (quotation) từ kinh điển (Thượng Tọa Bộ, Nhất Thiết Hữu Bộ, hay Đại Chúng Bộ) có nói rằng “Niết Bàn là ở đây và trong hiện tại” hay “Niết Bàn là nỗ lực tối đa để con người trở thành hoàn thiện, trở thành bậc Thánh ngay trong thế gian này” rồi chúng ta sẽ thảo luận sau về câu trích dẫn đó, nếu có.


Sách Hiếm